Nhà ở cho người thu nhập thấp từ lâu đã là vấn đề khá nan giải trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Nguyên nhân chính là giá đất và nhà luôn neo cao ở mức hầu hết người thu nhập thấp khó có thể tích lũy đủ. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Huyện Bình Xuyên đang tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu nhà ở xã hội thôn Rừng Cuông, xã Thiện Kế. (Ảnh phối cảnh)
Theo Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của Chính phủ, tính chung trong 9 tháng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,6 triệu đồng/tháng.
Trước đó, theo Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam trong quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Thử làm một phép tính sẽ thấy, với mức lương trung bình trên, một người lao động chỉ có thể tiết kiệm được dưới 100 triệu đồng/năm với điều kiện không chi tiêu bất cứ khoản nào.
Theo anh Nguyễn Duy Hưng, cán bộ quản lý của Khu chung cư thu nhập thấp Vinaconex - Xuân Mai, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, giá một căn hộ cũ (rộng 50 m2) tại tòa nhà 5 tầng được xây dựng từ năm 2008 hiện đang dao động ở mức 700 - 900 triệu đồng. Giá một căn hộ cũ tại tòa nhà 11 tầng (rộng từ trên 70 m2 đến trên 100 m2) được xây dựng từ năm 2009 dao động từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, chỉ với mức thu nhập trung bình như trên, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, đại đa số người lao động bình thường khó có đủ điều kiện mua được một ngôi nhà để an cư lạc nghiệp.
Không có khả năng mua đất, làm nhà thì những lao động này ở đâu?
Người nông dân thường ở nhà mình tại quê. Con cái lớn lên lấy vợ, lấy chồng mà không có điều kiện tách riêng thì tiếp tục sống chung với gia đình nội, ngoại.
Người lao động xa quê không có tiền mua nhà, mua đất thì buộc phải thuê nhà ở trọ, sống một cuộc đời tạm bợ trong thời gian ấp ủ giấc mơ có một ngôi nhà nho nhỏ để an cư lạc nghiệp.
Ở Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng, chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tiến độ thi công các dự án đến nay vẫn còn rất chậm. Quan trọng hơn, dù các dự án có hoàn thành đi chăng nữa, với giá bán dự báo không hề rẻ, người thu nhập thấp vẫn rất khó tiếp cận.
Cụ thể, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, giá 1 m2 nhà ở xã hội nơi rẻ nhất cũng vài chục triệu đồng, tương đương với vài chục năm lương trung bình của một người lao động như đã nói ở trên. Còn tại thành phố Vĩnh Yên, muốn mua một căn nhà ở xã hội kiểu Khu chung cư thu nhập thấp Vinaconex -Xuân Mai như đã nói ở trên thì người mua phải chuẩn bị trên dưới cả tỷ đồng hẵng nghĩ đến.
Vậy là người thu nhập thấp cứ mãi trong một cái vòng luẩn quẩn: Thu nhập thấp chỉ hướng đến nhà ở xã hội nhưng giá bán nhà ở xã hội lại quá cao so với thu nhập của mình.
Thực tế cho thấy, nếu để thị trường nhà đất phát triển một cách tự do thì dù có lúc chạm đáy, giá một nền đất hoặc một căn nhà nho nhỏ ở khu vực đô thị cũng phải có giá trên dưới 1 tỷ đồng, số tiền mà đại đa số người thu nhập thấp tích lũy cả đời cũng không đủ.
Vậy, giải pháp nào để người thu nhập thấp có cơ hội an cư lạc nghiệp?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn giá nhà, giá đất thấp thì chỉ có nguồn từ Nhà nước xây dựng và khống chế giá bán. Nguồn cung này đủ lớn mới có thể làm cho giá nhà đất kinh doanh giảm xuống, tức là cung - cầu sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Nhưng khi có hai nguồn cung thì phía cầu ắt sẽ chuyển dịch vào bên nguồn cung hợp lý, giá thấp giúp người thu nhập vừa đủ cũng có thể có nhà, đất. Từ đó, thị trường bất động sản cũng sẽ bình ổn hơn chứ không liên tục “nhảy múa” như nhiều năm nay.
Một xã hội tốt phải đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu của con người, ít nhất là trong việc ăn ở, học hành, chăm sóc sức khỏe.
Do vậy, thiết nghĩ bên cạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế nỗ lực phát triển để làm nòng cốt xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách quyết liệt hơn nữa trong việc hỗ trợ người nghèo, từ sinh kế, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần đến chỗ ở lâu dài.
Cụ thể về vấn đề nhà ở, Nhà nước cần đích thân đứng ra làm chủ, chỉ đạo cơ quan chức năng lập quỹ đất, giao đơn vị chuyên môn thi công xây dựng và bán hoặc cho thuê, trả dần với giá ưu đãi tới những đối tượng nằm trong diện hộ nghèo (theo tiêu chí quy định).
Không làm được như vậy, đại đa số người thu nhập thấp sẽ mãi chẳng biết bao giờ có một chỗ ở.
Quang Nam