Giáo viên dạy gì? Câu hỏi tưởng rất ngô nghê nhưng ngẫm kỹ mới thấy, ẩn chứa đằng sau đó rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Thậm chí, nếu giải quyết tốt vấn đề này, hoạt động giáo dục có thể đạt nhiều kết quả bất ngờ.
Nhờ đầu tư đúng cách, đúng hướng cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và phương pháp đào tạo, nhiều năm qua, ngành GDĐT Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Đã là giáo viên thì dạy học là điều đương nhiên. Giáo viên toán dạy toán, giáo viên văn dạy văn… Nhưng đi sâu hơn nữa, ví dụ dạy toán là dạy gì? Lại tất nhiên là dạy phép tính cộng trừ nhân chia…, cao hơn nữa là đạo hàm, vi phân, tích phân… Dạy văn là dạy học sinh cách cảm thụ văn chương, phân tích, bình giảng các tác phẩm văn học hay tìm hiểu về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt…
Nói như thế là dễ hiểu quá còn gì. Vậy tại sao cũng là giáo viên nhưng thầy, cô này có nhiều học sinh giỏi, thầy, cô kia lại không?. Dĩ nhiên thầy, cô có người giỏi, người chưa giỏi, học trò có bạn chăm, bạn chưa chăm. Nhưng đấy liệu có phải là lý do chất lượng giáo dục của nước ta chưa đạt như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và người dân dù đã đầu tư nhiều công sức trí tuệ, tâm huyết và cả tiền bạc vào ngành Giáo dục.
Hầu hết mọi người trong chúng ta đều trải qua tuổi học trò đầy ắp những kỷ niệm. Nhiều người trong số đó chắc chắn từng trải nghiệm vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau với từng thầy, cô mà mình theo học. Có hay không chuyện mình đang rất chán, rất sợ và rất kém một môn nào đó, nhưng đột nhiên một giáo viên mới xuất hiện làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ta về môn học đó?
Ngược lại, có hay không chuyện mình đang rất yêu thích, say mê và học rất khá một môn nào đó, đột nhiên sự đam mê ấy biến mất, kèm theo đó là sức học môn ấy tụt dốc không phanh chỉ vì người giáo viên hằng ngày vẫn giảng dạy mình đột nhiên chuyển công tác khác?
Cốt lõi câu chuyện chính là người giáo viên ấy đã dạy gì mà khi thì khiến ta yêu thích, chăm học, lúc lại làm ta chán nản đến… buồn ngủ.
Hẳn mọi người đều biết, hầu hết việc giảng dạy ở các cấp học phổ thông của Việt Nam hiện nay là giáo viên giảng bài, truyền thụ kiến thức và cách xử lý vấn đề cho học sinh. Cùng với đó, học sinh nghe giảng, ghi chép, vận dụng lý thuyết vào làm bài tập.
Mục đích lớn nhất của việc dạy và học này là giáo viên truyền thụ được càng nhiều kiến thức cho học sinh càng tốt. Học sinh tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt, từ đó vận dụng vào làm bài tập để giành càng nhiều điểm số cao tại các cuộc thi các cấp càng tốt. Khi đó, cả thầy và trò đều được coi là thành công, đóng góp quan trọng vào bảng vàng thành tích của nhà trường, của ngành Giáo dục và địa phương nơi mình sinh sống.
Theo chúng tôi, phương pháp truyền thống này có thể đúng với một số thời điểm, đối tượng nhưng hiệu quả thu được chưa cao vì có nguyên nhân của nó.
Ví dụ, trong trường hợp thầy chưa đủ bề dày kiến thức hoặc có kiến thức nhưng không đủ kỹ năng sư phạm, năng khiếu truyền đạt khiến học sinh không cảm nhận được. Hoặc học sinh không đủ trình độ, tư duy cảm nhận nên dù thầy dạy giỏi đến mấy cũng chỉ như nước đổ lá khoai, hay thậm chí là… đàn gẩy tai trâu.
Vậy làm thế nào để cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục?. Giải pháp thì có, thậm chí không có gì mới, nhưng quan trọng là có đủ dũng cảm để áp dụng hay không. Đơn giản, đó là làm sao để học sinh yêu thích môn học.
Ví dụ thế này, khi một người nam yêu thật lòng một người nữ, dù anh ta có bao nhiêu tật xấu đi nữa, nhưng để chiều lòng và có thể chinh phục được người trong mộng của mình, anh ta sẵn sàng dẹp bỏ hết mọi thói hư tật xấu đó. Không những thế, anh ta còn kỳ công học và làm cả những việc chưa bao giờ làm, dù khó đến mấy, miễn là vừa lòng người đẹp.
Quay trở lại chuyện giáo dục. Tại sao giáo viên phải cố sức truyền thụ kiến thức cho học sinh làm gì cho mệt. Tại sao học sinh phải cày ngày cày đêm để nhồi nhét kiến thức làm gì cho khổ. Như thế, người ta gọi là bị dạy và bị học chứ không phải được dạy và được học.
Nếu mọi giáo viên thay vì ngày nào cũng giảng dạy một số tiết học lặp đi lặp lại đến nhàm chán thì hãy thổi tình yêu với môn học đó vào tâm hồn các học sinh thân yêu. Tôi dám chắc, đã không phải học tập những lý thuyết khô khan chán ngắt, lại được thầy dùng những từ ngữ bay bổng ngợi ca môn học của mình, sẽ không còn học sinh nào coi một môn học nào đó là chán ghét, là đáng sợ nữa.
Chẳng hạn với môn Lịch sử - một trong những môn học được cho là ít học sinh quan tâm nhất. Thay vì giảng dạy và bắt học sinh học thuộc lòng những sự kiện, dấu mốc đáng nhớ rối rắm như thuật toán đào bitcoin, giáo viên chỉ kể về truyền thống hào hùng của dân tộc, những chiến công oanh liệt vang vọng non sông, những danh nhân tiêu biểu có những lời nói, hành động làm quân thù khiếp vía.
Vâng, thầy không đặt nặng việc dạy, trò không quá chú tâm việc học. Thầy đúng nghĩa chỉ là "người đưa đò", trò có thể tương tác cả buổi miễn là hứng thú. Mọi điểm số, thành tích bỏ lại phía sau. Khi ấy, trò không yêu trường lớp, thầy cô, không thích học mới là lạ.
Một nền giáo dục có toàn học sinh giỏi chưa hẳn đã tốt. Một học sinh học rất giỏi chưa chắc đã có nền tảng kiến thức rộng và tình yêu quê hương, gia đình sâu sắc. Nhưng một học sinh có tình yêu quê hương và gia đình sâu sắc nhất định sẽ ý thức được mình nên làm gì để hiện thực hóa tình yêu đó.
Một đất nước có thế hệ trẻ mang trong mình cả bầu trời tri thức với lòng yêu nước nồng nàn chắc chắn sẽ mang lại sự hùng cường và phát triển bền vững cho đất nước ấy.
Bài, ảnh: Quang Nam