Với lợi thế gần dân, sát dân, hoạt động vì mục tiêu tương trợ, giúp đỡ các thành viên phát triển kinh tế, những năm gần đây, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên toàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tín dụng, đa dạng hoá các dịch vụ; đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn vay đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ của các thành viên, góp phần thúc đẩy KT - XH trên địa bàn.
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Tam Hồng, gia đình ông Nguyễn Văn Mây, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) phát triển chăn nuôi chim bồ câu Pháp, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Toàn tỉnh hiện có 31 QTDND đang hoạt động tại các xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố trên địa bàn với gần 29.000 thành viên. Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, những năm gần đây, năng lực tài chính và quản trị của hệ thống QTDND trên địa bàn không ngừng được nâng.
Đến 31/10/2023, tổng dư nợ cho vay của hệ thống QTDND trên toàn tỉnh đạt gần 3.700 tỷ đồng. Nguồn vốn đã và đang được xem là trợ thủ đắc lực, giúp các hộ dân khu vực nông thôn phát triển SXKD, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Từng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn sau khi xây nhà, song với sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của QTDND thị trấn Tam Hồng, năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Mây, tổ dân phố Đông Nam, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đã có điều kiện đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp về nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.
Qua quá trình nuôi, nhận thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, nhanh lớn, ít dịch bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, đặc biệt là đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Mây tiếp tục vay vốn QTDND đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng.
Đến nay, với 1.500 đôi chim bồ câu Pháp, mỗi tháng gia đình ông xuất bán 1.000 con chim bồ câu thương phẩm, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Mây cho biết: "Nguồn vốn vay của QTDND như “bệ đỡ” giúp gia đình tôi vượt khó khăn, có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi. Mô hình chim bồ câu Pháp không chỉ được nhân rộng cho gia đình các con tôi mà còn được nhiều bà con trong và ngoài xã học hỏi, phát triển, đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình".
Cũng được tiếp cận vốn vay của QTDND thị trấn Tam Hồng, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, đến nay, Cửa hàng tạp hoá tổng hợp Phượng Hoàn của gia đình chị Mai Thị Phượng, tổ dân phố Lâm Xuyên 3, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) không chỉ phát triển về quy mô, đa dạng hoá các mặt hàng mà còn thu hút đông đảo khách hàng đến mua sắm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
Chị Phượng chia sẻ: "Với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, không phải nộp phí, QTDND đã và đang tạo niềm tin, uy tín với nhiều khách hàng khu vực nông thôn, giúp người dân có điều kiện đầu tư, phát triển SXKD, dịch vụ, nâng cao thu nhập cho gia đình".
Với mục tiêu chính là tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển, thời gian qua, Quỹ TDND thị trấn Tam Hồng đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả và sát với thực tế tại địa phương. Đến nay, tổng dư nợ của Quỹ đạt hơn 230 tỷ đồng. Nguồn vốn đã và đang hỗ trợ hàng trăm hộ dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh tạp hóa, dịch vụ. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.
Đáp ứng tốt hơn nguồn vốn vay, đồng hành cùng thành viên vượt khó trong giai đoạn hiện nay, QTDND xã Tề Lỗ (Yên Lạc) không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, áp dụng ngân hàng số trong hoạt động nghiệp vụ, nhận tiền và chuyển tiền điện tử. Thường xuyên kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trong công tác thu hồi nợ gốc, lãi đến hạn của các thành viên. Đến nay, tổng dư nợ của Quỹ đạt hơn 185 tỷ đồng, với hơn 300 khách hàng vay vốn.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND xã Tề Lỗ cho biết: Thời gian tới, Quỹ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín dụng, năng lực quản trị điều hành, an toàn thanh khoản. Mong muốn của chúng tôi để QTDND xã Tề Lỗ được mở rộng thêm các thành viên liên xã (đối với xã không có QTDND).
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, hiện tổng vốn điều lệ của 31 QTDND trên địa bàn tỉnh đạt hơn 190 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 31/12/2022. Cùng với đó, khả năng chi trả ngay của các QTDND được đảm bảo, hầu hết các QTDND đã chủ động được nguồn vốn để chi trả tiền gửi, tiền vay, không có QTDND nào gặp khó khăn về nguồn chi trả. Đây là một trong những chỉ tiêu thể hiện sự phát triển bền vững và là cơ sở để các quỹ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư tài sản cố định.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với NHNN Việt Nam ban hành, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của các QTDND; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tính liên kết và tương trợ giữa các thành viên để thực hiện đúng mục tiêu tôn chỉ trong hoạt động của QTDND; đẩy mạnh việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của QTDND trong giai đoạn mới...
Hồng Tính