Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước; đồng thời khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. Qua đó khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II chuyên sản xuất linh kiện điện tử hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc ước tăng 9,55% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 lĩnh vực chủ lực ưu tiên thu hút đầu tư tăng trưởng mạnh như chỉ số công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,62%; doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 15,2%.
Đặc biệt, sản xuất linh kiện điện tử là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 63,4% so với cùng kỳ; tạo việc làm cho hơn 75.000 lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của tỉnh thời gian qua.
Trong định hướng phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, sản xuất điện tử và thiết bị điện là một trong những ngành đã được khuyến khích đầu tư phát triển. 5 năm gần đây, nhiều dự án đã được đầu tư phát triển mạnh và đến nay đã trở thành 1 trong 2 nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị công nghiệp và lao động trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh.
Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điển tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế, tỉnh quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Duy trì đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và công bằng, đạt mục tiêu “3 tốt” của Vĩnh Phúc gồm môi trường pháp lý tốt và toàn diện; hạ tầng kỹ thuật tốt; phục vụ doanh nghiệp tốt.
Bên cạnh đó, duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn, công nghệ như Châu Âu, Hoa Kỳ.
Đến hết tháng 5/2024, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 472 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Piaggio (Italia); Công ty TNHH North Stair Precision (Hoa Kỳ), Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, Công ty TNHH Interflex vina (Hàn Quốc), Công ty TNHH De Heus (Hà Lan)…
Nhờ có các dự án của các công ty, tập đoàn lớn, tỉnh đã phát triển các ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô của khu vực.
Tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 450 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 15%, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, nhất là các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản; khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính minh bạch tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh đó, tỉnh lập quy hoạch, xây dựng đề án về phát triển thêm khu công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Xây dựng lại hệ thống thông tin về nhu cầu thu hút đầu tư, quy trình thủ tục đầu tư, các ưu đãi đầu tư và những lợi thế của tỉnh; xây dựng phần mềm theo dõi giám sát và cải thiện kết quả thu hút đầu tư chiến lược và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mai Liên