36 chước, trốn chạy là hơn! Mùa tuyển sinh, trái với một số cơ sở giáo dục khác, Trường mầm non Hoa Sen (Tích Sơn-Vĩnh Yên) thường giấu biệt cái khoản thông tin, quảng cáo chiêu sinh. Thậm chí nhiều lúc, Hiệu trưởng Bùi Thị Hải Yến và một số cô giáo khác còn phải tắt máy điện thoại, “bận đi công tác” để "trốn" phụ huynh. Lý do là cơ sở vật chất nhà trường có hạn mà số lượng các bậc phụ huynh đăng ký cho con em theo học quá đông. Cô Yến bảo, mỗi lần phải từ chối nhận học sinh, cứ thấy day dứt như người có lỗi. Nhưng nhận nhiều quá, chất lượng sợ không đảm bảo, còn lỗi lớn hơn. Áp dụng nhiều “chiêu trò” để “trốn” học sinh nhưng trường Hoa Sen vẫn có tỷ lệ học sinh cao nhất nhì trong tỉnh. Đặc biệt, Nhà trường có một thực tế khá hy hữu: Toàn trường chỉ có 8 phòng học nhưng tồn tại những 10 lớp với 480 học sinh. Như vậy, với đặc thù học sinh mầm non học bán trú (từ sáng đến chiều tối), tức là không học theo ca sáng hoặc chiều để có thể đổi ca, làm sao Nhà trường có thể giải quyết được tình trạng kỳ lạ trên. Hóa ra, cái khó ló cái khôn, Nhà trường bố trí những lớp quá đông thành 2 nhóm học ngược nhau, cứ nhóm này học trong lớp thì nhóm kia ngoài trời, nhóm này học văn hóa thì nhóm kia học thể chất..., chỉ chung nhau lúc nghỉ trưa. Theo cô Yến, lớp đông nhất của nhà trường lên đến 60 em, trong khi quy định tối đa của nhóm trẻ này là 35 em, vượt khung gần 200%. Tất nhiên, không tính những lớp ghép như vừa nói. Thực tế, nếu tính cả kiểu “đảo ngói” ấy, tỷ lệ vượt còn hơn cả 200%. May là nhà trường chủ yếu chỉ nhận con em trên địa bàn phường Tích Sơn, nếu mở rộng ra, chưa biết tình hình làm sao?... Tại trường Mầm non Hoa Hồng (Vĩnh Yên), Hiệu trưởng Nguyễn Thị An cho biết, Nhà trường có 19 phòng học với hơn 800 học sinh, trung bình trên 40 em/lớp. Lớp đông nhất có tới 56 em, vượt quy định 21 em. Do nhà trường có bề dày hoạt động từ khá lâu nên hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh cơ bản đáp ứng được quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh/lớp quá đông cũng đã ảnh hưởng phần nào đến chính bản thân các học sinh. Theo cô An, biết rằng tỷ lệ học sinh/lớp cao sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không tốt nhưng nhiều năm qua, nhà trường buộc phải “sống chung với lũ”. Lí do, là đơn vị trực thuộc sở, nhà trường không giới hạn địa bàn tuyển sinh. Đã thế, nhờ thương hiệu tốt, đạt chuẩn gần như đầu tiên trong tỉnh, hầu hết các bậc phụ huynh trên địa bàn Vĩnh Yên có nhu cầu gửi gắm con em mình. Thực tế cho thấy, nhận tất thì không xuể, không nhận thì không được bởi sao đành nhìn con trẻ bơ vơ, ngoài ra còn các mối quan hệ của nhà trường với các sở, ngành...Không muốn mang tiếng Trường chất lượng mà chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh ngày càng đi xuống vì...quá đông học sinh, trường mầm non Hoa Hồng quyết định áp dụng triệt để các biện pháp giảm tải theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT từ năm học 2012-2013. Nhờ vậy, ở nhóm trẻ vào lớp nhà trẻ đầu tiên, cơ bản Nhà trường đã có tỷ lệ học sinh/lớp đạt yêu cầu. Các nhóm trẻ còn lại, chấp nhận để các em theo học hết chương trình. Không tải vì không chuẩn? Quá tải ở bậc mầm non Vĩnh Phúc? Đúng, rất bức xúc là khác. Nhưng lại có một điều tưởng như nghịch lý, không cần phải ở các xã vùng sâu, vùng xa, ngay ở Thành phố Vĩnh Yên, một số trường mầm non như ở Thanh Trù, Định Trung, tỷ lệ học sinh/ lớp rất thấp, có lớp còn không đủ sĩ số quy định. Tại sao lại như vậy? Theo cô Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT, quá tải ở bậc mầm non bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: Chính sách miễn học phí ở bậc mầm non khiến phụ huynh không phải lo nghĩ khoản “đầu tiên”; hệ thống cơ sở vật chất không theo kịp nhu cầu xã hội; số lượng trẻ em ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, còn một nguyên nhân rất thực tế và vô cùng quan trọng khác, đó là “hiệu ứng đám đông”. Tâm lý người Việt thì cứ đông là tốt, không tốt tại sao đông? Mà đông có nghĩa là chất lượng cao, gửi được con em vào là yên tâm kỹ, thôi thì cứ chen chúc tí cũng được, bất kể đúng tuyến hay trái tuyến. Vậy là trường nào có thương hiệu lớn, hoặc có một số tiêu chí như đạt chuẩn, cơ sở vật chất khang trang, bề dày thành tích nổi bật... thì khổ cả nhà trường lẫn phụ huynh. Trong khi đó, một số trường mầm non khác vẫn hiu hắt như chùa làng. Đến nỗi, có cô giáo ở trường nọ (đông học sinh) phải “nài nỉ” một số phụ huynh hãy “thương” lấy nhà trường, thương lấy chính con em mình mà gửi chúng học ở trường nơi mình sinh sống, vừa đúng tuyến, tiện đường lại thoáng đãng không gian. Tiếc rằng, hầu hết những lời “gan ruột” kiểu như thế hầu hết bị bỏ ngoài tai, thậm chí, có lúc còn nhận được những phản ứng tiêu cực. Cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen cho biết, năm học trước, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng đầu năm học của Nhà trường là 7,2%, đến cuối năm giảm còn 0,4%. Chính con số biết nói này khiến nhiều phụ huynh suy nghĩ, đến bố mẹ cũng không chăm sóc sức khỏe con mình tốt bằng thấy cô. Như thế, phải quyết gửi con vào đấy bằng được. Vậy là bất chấp mọi lời khuyên can, kể cả tự nhận mình “xấu”, nhiều phụ huynh vẫn nằng nặc: “Không, với tôi, trường cô là nhất!” Giải pháp, có nhưng khó! Từ 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải ở bậc mầm non, có thể đảo ngược ý để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, đảo từ việc miễn học phí sang việc lại thu học phí khác nào phú quý giật lùi. Không được và chắc chắn sẽ bị phản ứng dữ dội nếu có ý định đó. Nguyên nhân thứ 2: Xây thêm trường lớp. Khó vì quỹ đất có hạn, tài chính có hạn, mà nếu có 2 điều kiện ấy cũng chưa chắc hiệu quả bởi trường xây nhanh mấy cũng không kịp số trẻ ra đời. Vậy là không khả thi lắm dù làm được là rất đáng quý. Cuối cùng, làm tốt khâu kế hoạch hóa dân số để tránh quá tải ở bậc mầm non. Thưa, việc này chúng ta làm hàng chục năm nay rồi, và nó đâu chỉ để phục vụ riêng cho...bậc mầm non. Theo chúng tôi, hợp lý nhất vẫn là đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, trang thiết bị cơ sở vật chất, sao cho sự chênh lệch giữa các trường là không đáng kể, thứ đó là yêu cầu đăng ký học phải tuyệt đối tuân thủ đúng tuyến. Trái không nhận. Trong khi chờ đợi ý thức tự giác, việc áp dụng các quy định nghiêm túc của pháp luật là cần thiết. Bởi, khi không có nhiều sự lựa chọn, người ta thường khá “ngoan ngoãn” chấp hành những gì được hướng dẫn. Bài, ảnh: Quang Nam |