Giá trị sống là “kim chỉ nam”, là nền tảng để con người sống ngày càng tốt đẹp hơn. Xác định rõ điều đó, các nhà trường luôn chú trọng giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh để các em có động lực phấn đấu, kiến tạo tương lai tươi sáng cho mình cũng như nỗ lực cống hiến cho xã hội.
Học sinh luôn được giáo viên quan tâm giáo dục, động viên chia sẻ để nâng cao những giá trị của bản thân. Ảnh: Trà Hương
Nhiều học sinh không ngừng nỗ lực học tập vươn lên; có lối sống lành mạnh, đoàn kết, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người; có ý thức xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Nhưng, cũng có một số học sinh chưa biết phát huy năng lực của bản thân; luôn đòi hỏi quyền lợi mà quên đi trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; dễ phản ứng tiêu cực khi gặp vấn đề khó khăn dẫn đến làm tổn hại bản thân, gây ảnh hưởng đến người thân và xã hội… Thực tế đó là do sự chi phối của “giá trị sống”.
Giá trị sống là những điều được con người cho là quý giá, là quan trọng và có ý nghĩa đối với cuộc sống, là động lực để mọi người nỗ lực phấn đấu đạt được. Theo UNESCO, có 12 giá trị sống gồm hòa bình, tôn trọng, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, khiêm tốn, giản dị, khoan dung, đoàn kết, yêu thương, tự do, hạnh phúc.
Giá trị sống giúp cá nhân điều chỉnh hành vi của mình, vì hạnh phúc cá nhân, vì sự ổn định và phát triển cộng đồng xã hội. Đối với học sinh - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước càng cần xác định và phát huy được giá trị sống của bản thân để kiến tạo cho mình tương lai tươi sáng và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Xác định rõ mục tiêu đó, các nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong nhà trường được thiết kế thành các chủ đề bài học, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh - lý lứa tuổi học sinh.
Chương trình hướng tới hình thành ở học sinh 8 giá trị cốt lõi là “Tôn trọng - Yêu thương - Kỷ cương - Trách nhiệm - Trung thực - Nỗ lực - Hợp tác - Sáng tạo” và phát triển 6 phẩm chất của công dân toàn cầu “Yêu nước - Sống nhân ái - Thân thiện, trung thực - Chăm chỉ, nỗ lực - Trách nhiệm - Kỷ cương”.
Là đơn vị đi đầu trong nhiều phong trào thi đua, Trường tiểu học Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên không chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn quan tâm giáo dục các kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh.
Em Nguyễn Trung Kiên, Trường tiểu học Đống Đa tham gia phong trào nuôi lợn đất tiết kiệm. Ảnh: Trà Hương
Cô giáo Nguyễn Thu Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua các phong trào thi đua “Học tốt”, “Hoa điểm 10”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Nuôi lợn đất tiết kiệm”... nhà trường giúp học sinh nhận thức được giá trị của bản thân; xác định mục tiêu học tập, định hướng phát triển các năng lực, phẩm chất tốt đẹp và hình thành kỹ năng giải quyết các vấn đề của bản thân; nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của gia đình, nhà trường, quê hương đối với mỗi con người; biết nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng và làm nhiều việc có ích cho xã hội…”.
Điển hình như em Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 4 của trường không chỉ học giỏi mà còn giàu lòng nhân ái, luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các bạn. Hình ảnh Trung Kiên dành tiền tiết kiệm và trích tiền thưởng thành tích HSG để tặng quà những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn khiến các thầy, cô giáo, các bạn xúc động, càng thêm yêu mến cậu học trò nhỏ.
Trung Kiên cho biết: “Em nghĩ mình phải biết trân trọng cuộc sống đang có, phải phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, đáp lại công lao của bố mẹ, thầy, cô giáo; đồng thời, phải luôn tôn trọng và đoàn kết, giúp đỡ các bạn”.
Với quan điểm “Tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh phát triển toàn diện”, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc vừa chú trọng công tác dạy học, bồi dưỡng HSG vừa đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa và phát huy hiệu quả của hơn 10 CLB ở mọi lĩnh vực như đọc sách, truyền thông, tư vấn du học, thiện nguyện, nghệ thuật, thể thao…
Trường THPT Quang Hà, huyện Bình Xuyên có 9 CLB với hơn 300 thành viên là học sinh tham gia, trong đó, nổi bật là CLB thiện nguyện “Quang Hà trao gửi yêu thương” đã giúp đỡ hàng trăm người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần kết nối, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng và giáo dục lòng nhân ái, tinh thần xung kích vì cộng đồng cho học sinh.
Trường THPT Trần Nguyên Hãn, huyện Lập Thạch thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử để giáo dục về lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý… nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề bản thân gặp phải; tổ chức vệ sinh môi trường, hoạt động đổi phế liệu lấy cây xanh… giúp học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.
Nhiều học sinh thiếu may mắn trong cuộc sống cũng luôn nhận được sự quan tâm giáo dục và tình yêu thương của gia đình, nhà trường, từ đó, các em tự tin phấn đấu vươn lên, trở thành những người có ích cho xã hội.
Minh chứng rõ nét là em Nguyễn Thanh Dũng, Trường TH&THCS Vũ Di, huyện Vĩnh Tường cùng 2 chị đều bị khuyết tật vận động nhưng được sự yêu thương, hỗ trợ và giáo dục của gia đình, thầy, cô giáo và bạn bè, chị em Dũng biết trân trọng bản thân hơn và nỗ lực tỏa sáng theo cách riêng.
Hiện, chị gái đầu của Dũng là giáo viên dạy trẻ tự kỷ và mới giành được học bổng du học Úc; chị gái thứ 2 học Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; còn Dũng là HSG của trường, đặc biệt, em có tài hội họa, vẽ nhiều bức tranh về quê hương, đất nước, con người, có bức tranh được đăng trên báo, tạp chí.
Dũng cho biết: “Em cố gắng học tập, kiên trì luyện vẽ để thực ước mơ trở thành kiến trúc sư. Em sẽ thiết kế những công trình thật đẹp và ý nghĩa cho quê hương”.
Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng khiếu để mỗi em trở thành một bản thể với những giá trị và vẻ đẹp riêng, từ đó, xây dựng thế hệ tương lai có đủ Tài-Trí-Đức.
Minh Hường