Khi nhắc đến thầy giáo Lê Huy Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý, huyện Lập Thạch, đồng nghiệp đều bày tỏ sự trân trọng, thán phục về một người thầy dạy giỏi, sáng tạo, luôn tận tâm, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.
Thầy giáo Lê Huy Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. Ảnh: Dương Chung
Nhận xét về thầy hiệu trưởng Lê Huy Minh, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Lý Nguyễn Quang Tuyến cho biết: “Tôi và nhân dân địa phương luôn kính trọng, khâm phục và yêu mến nhà giáo Lê Huy Minh, bởi đó là một người thầy toàn đức, toàn tài; luôn chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lối sống giản dị, hòa nhã, sẵn sàng giúp đỡ mọi người; năng động, sáng tạo và nhiệt huyết trong công việc.
Với sự tham mưu của thầy Minh, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều nghị quyết, quyết sách huy động được sự chung tay vào cuộc của các ngành, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương”.
“Nói có sách, mách có chứng”, người đứng đầu cấp ủy xã Hợp Lý cho chúng tôi xem những thành tích ấn tượng mà Trường THCS Hợp Lý đạt được trong 3 năm qua. Từ một ngôi trường đứng ở vị trí cuối trong khối THCS của huyện và tỉnh, nhưng nhờ có sự lãnh đạo, vai trò dẫn dắt đầu tàu của thầy Minh, nhà trường đã có bước chuyển biến tích cực, vươn lên vị trí cao.
Nếu như năm học 2018-2019, kết quả thi tuyển sinh vào THPT của nhà trường xếp vị trí 20/20 của huyện và 127/146 của tỉnh thì chỉ sau 1 năm đã thăng hạng lên vị trí 6/20 của huyện và xếp thứ 55/146 của tỉnh.
Đến năm học 2020-2021, nhà trường vươn lên giữ vị trí tốp đầu về chất lượng thi tuyển sinh THPT của huyện. Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng học sinh giỏi cũng có nhiều thành tích đáng kể; phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trong nhà trường phát triển sôi nổi…
Chia sẻ về bí quyết đưa nhà trường có bước tiến vượt bậc, thầy Minh cho biết: “Tháng 8/2018, tôi được phân công, điều động giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý. Thời điểm đó, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, đội ngũ giáo viên thiếu, chất lượng giáo dục xếp vị trí cuối của huyện. Phụ huynh thiếu sự tin tưởng nên liên tiếp xin chuyển trường cho con.
Trước tình hình đó, tôi xuống từng hộ dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, sau đó, báo cáo Đảng ủy, UBND xã tổ chức đối thoại để phụ huynh và giáo viên cùng giải đáp vướng mắc, đồng thời, đề ra giải pháp thúc đẩy phong trào học tập của học sinh. Cùng với đó, tôi đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Trường học gắn kết với cộng đồng” để huy động nhân dân chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục”.
Với mô hình “Trường học gắn kết cộng đồng”, nhà trường tham mưu Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, phân công đảng viên phụ trách phong trào học tập theo từng thôn dân cư; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng giáo dục và đưa tiêu chí giáo dục trở thành một trong những tiêu chí đánh giá xây dựng thôn dân cư văn hóa.
Nhà trường xây dựng kế hoạch phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể của xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn tham gia giám sát, quản lý, tư vấn phương pháp học tập phù hợp, nâng cao ý thức tự học cho các em học sinh.
Hằng tháng, tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp học tập. Sau một thời gian ngắn, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt; không còn tình trạng học sinh bỏ học; niềm tin của phụ huynh với nhà trường được củng cố.
Cùng với mô hình “Trường học gắn kết với cộng đồng”, thầy Minh còn là chủ nhân của nhiều sáng kiến thúc đẩy phong trào học tập khác như "Tiếng kẻng học bài", “Đề xuất biện pháp phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nhà trường để giáo dục học sinh”, “Vai trò của cán bộ quản lý trong việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục”…
Với tư duy “Muốn có trò giỏi, phải có thầy cô giỏi”, "Muốn con tàu vươn xa, phải có những cỗ máy tốt", thầy Minh luôn chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng cao.
Thầy cùng Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo án; thực hiện sinh hoạt, trao đổi tổ chuyên môn, chia sẻ phương pháp giảng dạy; tìm tòi, vận dụng và đổi mới phương pháp dạy học để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính trực quan, sinh động vào bài giảng nhằm hấp dẫn học sinh.
Không chỉ là nhà quản lý giáo dục giỏi, thầy Lê Huy Minh còn là một nhà giáo tận tâm, luôn yêu thương, giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm gần đây, thầy đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 20 chiếc xe đạp, hỗ trợ sách vở cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Riêng với em Nguyễn Thị Thanh Xuân, lớp 7A1, có mẹ bị ung thư vòm họng, bố mất sớm, nhờ sự kết nối của thầy giáo và nhà trường, em Xuân đã được Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Lập Thạch tài trợ chi phí học tập đến hết lớp 12.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ cho sự nghiệp trồng người, nhà giáo Lê Huy Minh xứng đáng được tôn vinh và trân trọng.
Quỳnh Hương