Tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm trang bị cho người dân kiến thức cơ bản tự bảo vệ bản thân, gia đình cũng như xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra. Để hoạt động này ngày càng đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh tiếp tục triển khai nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo.
Công an tỉnh thường xuyên tổ chức diễn tập, trải nghiệm kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để trang bị kiến thức cho người dân.
Để triển khai có hiệu quả công tác PCCC&CNCH, ngoài việc tổ chức ký cam kết, yêu cầu người dân chấp hành quy định pháp luật về PCCC cũng như lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, treo băng rôn, áp phích, các đơn vị trong Công an tỉnh quan tâm, chú trọng việc tổ chức diễn tập, trải nghiệm, thực hành PCCC&CNCH cho các tầng lớp nhân dân.
Nội dung diễn tập, trải nghiệm được xây dựng một cách bài bản, khoa học. Trọng tâm là kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở gia đình, chung cư, công trình công cộng và hướng dẫn cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH.
Đây là một trong những hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Mọi người đều hứng thú với phần trải nghiệm, thực hành. Bởi lẽ, lần đầu tiên, nhiều người được trực tiếp sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy; thoát nạn bằng phương pháp leo dây từ trên tầng cao xuống đất cũng như cách thoát nạn trong không gian hẹp, đệm hơi và tham gia sơ cấp cứu ban đầu, di chuyển người bằng tay không, cứu người trên cao…
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại 155 điểm, thu hút gần 39.000 người tham gia trải nghiệm. Tổ chức 9 cuộc tuyên truyền về PCCC&CNCH tại 9 huyện, thành phố bằng hình thức sân khấu hóa với tiểu phẩm kịch ngắn “Tôi ngấm lắm rồi”, thu hút hơn 6.000 người xem.
Nhờ hiệu ứng tích cực từ các chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, trong một số vụ cháy, người dân đã biết cách xử lý ban đầu hiệu quả, tự giác trang bị bình chữa cháy xách tay tại gia đình.
Quan trọng nhất, mọi người biết cách thoát nạn và hướng dẫn người khác cùng thoát nạn, tận dụng được “5 phút giờ vàng" để dập tắt đám cháy khi mới bắt đầu, nhất là đối với loại hình nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Điển hình như vụ cháy nhà dân tại tổ dân phố Đậu, đường Nguyễn Tất Thành, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên. Khi xảy ra cháy, người dân nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy ngay khi mới hình thành, làm giảm tối đa thiệt hại do cháy gây ra, đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình và các hộ dân lân cận.
Một vụ cháy khác xảy ra tại số nhà 213, đường Hai Bà Trưng, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên. Khi đám cháy xảy ra, phát hiện nhiều khói, khí độc, chủ nhà đã hô hoán, ngắt điện, hướng dẫn trẻ nhỏ trên tầng 2 thoát ra theo hướng ban công sang nhà lân cận đến nơi an toàn. Sau đó, áp dụng kiến thức, kỹ năng được tập huấn, tuyên truyền, nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều cách làm hay để xã hội hóa công tác PCCC với mục đích phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH được triển khai hiệu quả. UBND tỉnh có Kế hoạch số 71 về việc phát động phong trào hỗ trợ phương tiện PCCC; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh có thư ngỏ gửi các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh kêu gọi tham gia đóng góp, ủng hộ bình chữa cháy trao tặng các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Qua đó phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay giúp đỡ người nghèo, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ (bình chữa cháy xách tay), kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.
Kết quả, đã có 46 doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Công an tỉnh ủng hộ số tiền gần 1,4 tỷ đồng; gần 60.000 bình chữa cháy trao tặng các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều cách làm sáng tạo, nhất là trong công tác tuyên truyền PCCC&CNCH, người dân trên địa bàn đã nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 102 vụ cháy (giảm 23 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 15 vụ cháy được lực lượng PCCC tại chỗ và người dân tự dập tắt.
Với phương châm “Từng nhà an toàn - Từng nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn”; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức.
Từ đó giúp mỗi người dân đều được tiếp cận, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản theo mọi lứa tuổi, trở thành những nhân tố tích cực, thực hiện hiệu quả công tác PCCC&CNCH tại địa phương.
Bài, ảnh: Lê Minh