Hướng tới xây dựng chính quyền số (CQS), tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. Qua đó tiết giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Xác định ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC; phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 3.0; sửa đổi Bộ chỉ số nhằm đánh giá, xếp hạng về chuyển đổi số giữa các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi, chính xác.
100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp 1.594 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 433 TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đã tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ ngày 1/1- 2/12/2024 đã thực hiện 175.753 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, với tổng số tiền giao dịch hơn 10 tỷ đồng. Đến ngày 2/12/2024, có 42% hồ sơ cấp tỉnh; 90,68% hồ sơ cấp huyện, cấp xã (trung bình cả tỉnh 63,18%) nộp trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, thuận tiện, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, tỉnh đã xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số làm trọng tâm trên cơ sở hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các hệ thống thông tin dùng chung và chuyên ngành bảo đảm tính sẵn sàng, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các hệ thống thông tin, nền tảng Chính phủ điện tử của Trung ương, các bộ, ngành.
Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung LGSP tỉnh tiếp tục được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, Trung ương.
Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Đến nay, hệ thống quản lý văn bản, điều hành đã kết nối liên thông với Trục văn bản Quốc gia gồm phần mềm Quản lý văn bản và điều hành triển khai cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn; thực hiện liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia; bảo đảm tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử.
Tính từ ngày 1/1- 2/12/2024, có 935.088 văn bản đến; 286.113 văn bản đi; 285.548 văn bản đi ký số. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 99,8%.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16.024 chữ ký số công cộng gồm 10.209 chữ ký số của công ty, doanh nghiệp; 5.815 chữ ký số cá nhân do VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart.
Hoạt động giám sát an toàn thông tin (ATTT) được thực hiện liên tục trên không gian mạng; không có sự cố mất ATTT nghiêm trọng nào xảy ra; thực hiện thiết lập, thay đổi cấu hình tường lửa, thiết bị phát hiện, chống xâm nhập hệ thống phân giải tên miền nhằm ngăn chặn các nguy cơ mất ATTT.
Ngăn chặn 100% trường hợp tin tặc sử dụng các máy chủ C&C để điều khiển, phát tán mã độc, thư rác; chia sẻ thông tin giám sát ATTT về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia theo mô hình bảo đảm ATTT 4 lớp; giám sát, rà quét thông tin cho hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của 169 đơn vị trong toàn tỉnh.
Theo kết quả thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực tế trên môi trường điện tử được Văn phòng Chính phủ công bố trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tính đến tháng 10/2024, Vĩnh Phúc xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố.
Năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của tỉnh đạt 600 triệu USD, tăng 150% so với kế hoạch, qua đó tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với tỉnh.
Mai Liên