Nhằm nâng cao kỹ năng cho người lao động (NLĐ), phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN); chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với tác phong công nghiệp, kỹ năng số, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc trong giờ thực hành. Ảnh: Kim Ly
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đặc biệt là đào tạo các ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh gắn với nhu cầu của thị trường lao động, thực tiễn phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN); tổ chức các hội thi kỹ năng nghề cấp trường, tạo sân chơi để học sinh, sinh viên (HSSV) được giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng nghề.
Thầy giáo Nguyễn Trung Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc cho biết: "Một trong những giải pháp trọng tâm mà nhà trường triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề là đẩy mạnh liên kết, ký kết hợp tác với hơn 50 DN trong và ngoài tỉnh; thường xuyên tổ chức các đoàn đưa HSSV đi tham quan, trải nghiệm, thực tập tại DN, tạo điều kiện để HSSV làm quen với văn hóa, môi trường làm việc cũng như được tiếp cận với hệ thống máy móc, công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Qua đó rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp HSSV trau dồi, rèn luyện kỹ năng cần thiết, gia tăng cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường".
Sau 3 năm học tập và rèn luyện, vừa qua, 148 sinh viên cao đẳng khóa 15 và liên thông cao đẳng khóa 7 Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc được nhà trường trao bằng cử nhân, kỹ sư thực hành hệ chính quy; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 100%, trong đó hơn 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.
Đây là khóa học đầu tiên nhà trường thực hiện đào tạo theo đề án của UBND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong GDNN đáp ứng nhu cầu của DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường đạt từ 88 - 105%; tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm đúng ngành, nghề đạt hơn 80% với mức thu nhập bình quân từ 9 - 20 triệu đồng/người/tháng, trong đó, nhiều HSSV được các DN đặt hàng ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp.
Điển hình như em Vũ Văn Huỳnh, sinh viên K15 Khoa cơ khí. Với thành tích tốt nghiệp loại giỏi, 3/6 kỳ học được nhận học bổng của trường, Vũ Văn Huỳnh đã được Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 (VPIC1), Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) nhận vào làm ngay từ khi em chuẩn bị tốt nghiệp.
Vũ Văn Huỳnh chia sẻ: "Trong thời gian học tập ở trường, chúng em được tăng thời lượng các tiết học thực hành; được nhà trường tạo điều kiện đi thực tập tại Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Bắc Giang). Nhờ đó, em sớm được làm quen, tiếp cận với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại cũng như học hỏi thêm nhiều kiến thức thực tế về quy trình, kỹ thuật làm việc, rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp… để đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng".
Để nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; đồng thời dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại. Mạng lưới các cơ sở GDNN được sắp xếp bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo. Toàn tỉnh hiện có 30 cơ sở GDNN, trong đó có 25 cơ sở đang hoạt động GDNN.
Sở LĐ-TB&XH và các cơ sở GDNN thường xuyên tổ chức các kỳ thi kỹ năng nghề nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ giáo viên, HSSV; thường xuyên cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước.
Các cơ sở GDNN chủ động liên kết, hợp tác với DN trong quá trình xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo nghề, đảm bảo nguyên tắc từ 50 - 70% thời lượng thực hành; đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học; tổ chức cho HSSV tham quan, tìm hiểu, thực hành, thực tập tại DN…
Từ năm 2014 đến nay, HSSV của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đạt 49 giải trong các kỳ thi kỹ năng nghề cấp quốc gia, trong đó có 2 sinh viên được lựa chọn tham gia kỳ thi tay nghề ASEAN và đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Số lượng NLĐ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề ngày một tăng. NLĐ sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động.
Nhằm tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của NLĐ có kỹ năng, nhất là NLĐ có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1486 quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, tiếp tục nâng cao chất lượng GDNN, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các cơ sở GDNN đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề; huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của DN trong phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN trong các hoạt động GDNN; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong GDNN…
Phương Anh