Sinh năm 1959, ông Nguyễn Công Cát, đảng viên Chi bộ thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường được biết đến là một điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Nhờ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, ông Cát hiện làm chủ trang trại tổng hợp quy mô lớn theo mô hình sản xuất vườn- ao- chuồng (VAC), đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Cát, trước mắt chúng tôi là vườn cây sai trĩu quả, khu ao nuôi cá, khu chăn nuôi lợn được quy hoạch hợp lý, khoa học.
Ít ai biết rằng, trang trại “bạc tỷ” này trước đây là những ruộng đất trũng, manh mún, sản xuất kém hiệu quả nằm sát chân đê của xã Phú Đa. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan trang trại, ông Cát vừa kể về câu chuyện mạnh dạn làm giàu từ mảnh đất khó.
Ngược dòng thời gian, năm 1978, khi vừa 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Cát xung phong lên đường nhập ngũ tại đơn vị công an vũ trang huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Sau 5 năm làm nhiệm vụ trong quân ngũ, ông trở về quê hương mang theo hoài bão lập nghiệp. Lúc bấy giờ, được thừa kế mảnh đất của bố mẹ để lại, cộng với sức khỏe, nhiệt huyết tuổi trẻ, ông Cát đã chung vốn cùng em trai “lăn lộn” với ruộng đồng, vườn tược, đầu tư chăn nuôi lợn, gà, vịt.
Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, kỹ thuật nên thời gian đầu lợi nhuận đem lại không như mong đợi, thậm chí thua lỗ nhiều.
Đến năm 2009, khi địa phương có chủ trương đấu thầu đất vùng trũng, ông bàn với gia đình thuê lại 3 mẫu ruộng của người dân với giá 50 triệu đồng/năm và đấu thầu 5 mẫu đất của xã để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Nung nấu ý định gây dựng mô hình VAC, ông phải vay mượn tiền để tập trung cải tạo lại đất trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá và làm chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín.
Ông Cát chia sẻ: “Ban đầu, tôi đầu tư khoảng 400 triệu đồng để đào 2 ao thả cá và xây dựng chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, xung quanh khu trang trại và ao cá tôi trồng thêm rau màu ngắn ngày, rồi tiền lời từ chăn nuôi tôi sẽ tích lũy, đầu tư ngược lại để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.
Giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn, bởi dịch bệnh, rồi giá cả nông sản bấp bênh nhưng không vì thế mà tôi nản lòng.
Tiếp đó, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; trực tiếp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình thành công để từ đó ứng dụng vào trang trại của gia đình.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, mỗi năm tôi tích tụ thêm ruộng đất để mở rộng diện tích trang trại. Sau nhiều nỗ lực gây dựng, đến nay trang trại của gia đình tôi có tổng diện tích gần 3 ha, trong đó hơn 2 ha ao nuôi cá; gần 900m2 chuồng lợn khép kín, còn lại là diện tích trồng cây ăn quả như bưởi, mít, ổi, nhãn và rau màu”.
Nhờ cần cù, chịu khó và dám nghĩ, dám làm, mô hình trang trại của gia đình ông Cát thu về lợi nhuận cao và ổn định.
Với diện tích ao nuôi cá hiện có, hằng năm, ông thả cá trắm, chép, rô phi với khoảng hơn 1 vạn con/lứa. Bình quân mỗi năm, ao cá cho thu hoạch 2 vụ, gia đình ông thu về hơn 30 tấn cá.
Tích cực ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, ông trang bị hệ thống thoát nước thải và dẫn nước, lắp quạt nước, máy sục khí oxy, máy cho ăn tự động… phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Công Cát ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng thuỷ sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, ông Cát đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại chăn nuôi lợn bột theo mô hình khép kín trong chuồng lạnh. Mỗi chuồng được chia làm các khu vực riêng biệt gồm khu xử lý thức ăn, khu nuôi lợn và khu liên hợp hầm biogas xử lý phân, nước thải.
Trong đó trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như camera theo dõi, hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn, uống nước tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ bên trong...
Bình quân mỗi năm, ông xuất bán 500 con lợn bột (2 lứa/năm), thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Nuôi lợn trong chuồng lạnh theo hướng an toàn sinh học góp phần giúp ông Cát phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, tận dụng diện tích đất còn lại trồng cây ăn quả và rau màu, gia đình ông Cát vừa có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày cũng như vừa có nguồn thu từ bán trái cây, nông sản.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, thu nhập từ trang trại đã tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm trước đây. Mô hình VAC cũng phát triển theo quy trình tuần hoàn, khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ước tính, gia đình ông Cát có tổng thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Nói về ông Cát, Thường trực Đảng ủy xã Phú Đa Nguyễn Thị Minh Quyết nhận xét: “Ông Nguyễn Công Cát là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ bà con về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.
Bên cạnh đó, với vai trò là đảng viên, ông rất năng động, tích cực tham gia các phong trào do xã và thôn phát động, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia hưởng ứng, góp phần giúp quê hương ngày càng văn minh, tiến bộ”.
Bài, ảnh: Thảo My