Từ nhiều năm nay, người dân xã Đạo Trù (Tam Đảo) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm, nhân giống và chăm sóc giống cây dược liệu trên quy mô lớn. Từ đó không chỉ xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm bảo vệ sức khỏe con người mà còn mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân trên địa bàn.
Gia đình chị Lê thị Thắng, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) tiên phong phát triển mô hình trồng cây dược liệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có như địa hình rộng lớn, vùng khí hậu đa dạng, tại xã Đạo Trù lâu nay, các loại cây dược liệu như sa nhân, ba kích, trà hoa vàng… mọc tự nhiên dưới tán cây rừng.
Tuy nhiên, việc khai thác trong tự nhiên không còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu trong điều trị, chăm sóc sức khỏe con người. Vì thế, người dân nơi đây đã mạnh dạn, linh hoạt trong việc phát triển, nhân rộng mô hình trồng dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập.
Đến nay, nơi đây đã hình thành vùng nguyên liệu với diện tích hơn 20ha trồng các giống cây như trà hoa vàng, ba kích, các dòng cây đương quy, thất diệp, cát sâm… không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tại địa phương.
Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của cây dược liệu cũng như khuyến khích người dân trồng dược liệu quý dưới tán rừng, đưa sản phẩm này trở thành thế mạnh của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đạo Trù đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ, kết nối hộ dân với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu để hỗ trợ về đầu ra, kỹ thuật sơ chế, chế biến… nhằm mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất thuốc, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong nước, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời giúp người dân nâng cao thu nhập, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Riêng năm 2024, chính quyền địa phương phối hợp cùng Trung tâm phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao 2.750 cây trà hoa vàng cho hộ gia đình, cá nhân triển khai mô hình khuyến nông với tổng diện tích 2ha.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình trồng cây dược liệu, ông Lê Công Trọng, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù cho biết: Hiện nay, trong thôn có hàng chục hộ tham gia sản xuất, trồng cây dược liệu, hình thành vùng chuyên canh riêng biệt. Mô hình không chỉ đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Là một trong những hộ tiên phong phát triển mô hình trồng cây dược liệu tại thôn Đồng Giếng, gia đình chị Lê thị Thắng hiện trồng 2ha cây ba kích, 4ha cây cát sâm. Khi thu mua tại vườn, củ ba kích tươi có giá 80 - 150 nghìn/kg, cát sâm có giá 70 - 80 nghìn đồng/kg.
Bên cạnh đó, chị Thắng còn bao tiêu đầu ra cho các hộ trồng dược liệu trong thôn, trừ chi phí đem lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Thắng cho biết: Trồng dược liệu có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, tốn công làm đất và chăm sóc hơn các loại cây thông thường. Tuy nhiên, những giống cây này có thể trồng trên đất đồi, dưới tán cây khác mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Đến khi thu hoạch, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, được các doanh nghiệp thu mua tận nơi, hiệu quả kinh tế mang lại rất tốt. Từ đó, trở thành cây chủ lực, không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
Nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, cấp ủy, chính quyền xã Đạo Trù tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đẩy mạnh việc quy hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược liệu, liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn liền với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác; tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị, tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển nguồn lược liệu.
Từ đó từng bước tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất bền vững và lâu dài, góp phần tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.
Bài, ảnh: Ngọc Lan