Nhằm “định vị” thương hiệu trên thị trường và mở rộng xuất khẩu, tỉnh đã và đang đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Qua đó xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng cây phật thủ của gia đình ông Phan Văn Bình, xã Liên Châu (Yên Lạc) được cấp mã số vùng trồng nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Xác định lợi ích mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất, người tiêu dùng, năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng mã số vùng trồng cho cây trồng chủ lực của địa phương; lắp đặt các biển hiệu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; tổ chức gần 50 lớp tập huấn cơ sở đóng gói, các vùng trồng nội địa; hỗ trợ kinh phí giám sát 28 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, 47 mã số vùng trồng nội địa.
Qua đó giúp các hộ nông dân hiểu rõ lợi ích khi được cấp mã số vùng trồng; những yêu cầu đối với sản xuất khi có mã số vùng trồng…, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ ở thị trường quốc tế; đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.
Năm 2024, ông Nguyễn Xuân Hòa, thôn Phú Nông, xã Kim Xá (Vĩnh Tường) có hơn 0,2 ha cây măng tây được tỉnh cấp mã số vùng trồng nội địa giúp sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, thuận lợi hơn. Nhận thấy hiệu quả từ cây măng tây, năm 2018, ông Hòa đầu tư mua 1.000 cây giống về trồng; đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ nuôi cây.
Theo ông Hòa, sau 6- 7 tháng gieo trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, cây măng tây cho thu hoạch kéo dài từ 5 -7 năm. Thông thường, cây măng tây cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng rồi nghỉ một tháng để dưỡng cây.
Để cây măng tây sinh trưởng tốt, cho chồi măng đẹp, người trồng phải sử dụng nước sạch để tưới dưỡng. Vì vậy, ngoài giá trị dinh dưỡng cao, măng tây được coi là loại rau sạch tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, trên diện tích hơn 2.000 m2 đất ruộng, ông Hòa đã trồng hơn 2.000 gốc măng tây theo hướng hữu cơ; mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 15 kg măng, giá bán ổn định 70 - 75.000 đồng/kg, thu về hơn 1 triệu đồng.
Bắt nhịp xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, ông Lê Anh Khải, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) đã đầu tư xây dựng 1 ha nhà lưới trồng rau quả theo hướng công nghệ cao; lắp đặt hệ thống tưới tự động, thiết bị giám sát tự động và điều khiển môi trường... tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Mới đây, mô hình được tỉnh cấp mã số vùng trồng nội địa với diện tích 0,1 ha dưa lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Khải, nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong quá trình sản xuất, một số loại cây vốn chỉ thích hợp với xứ lạnh như ớt chuông, dưa lưới, dưa sữa đã và đang “bén rễ” ngay trên đồng đất Vĩnh Phúc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.
Hiện, toàn bộ sản phẩm của mô hình được kết nối tiêu thụ thuận lợi trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên. Trung bình mỗi vụ (3 tháng), mô hình xuất bán ra thị trường khoảng 25 tấn sản phẩm, đưa tổng doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho 8 lao động địa phương.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đặc biệt, đây cũng được xem là "tấm vé thông hành" cho nông sản xuất khẩu.
Vì vậy, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản mà còn góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Năm 2024, tỉnh cấp mới 45 mã số vùng trồng nội địa; cấp 2 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu trên cây ớt tại xã Đức Bác (Sông Lô) và cây thanh long tại xã Xuân Hòa (Lập Thạch). Sau khi cấp mã số vùng trồng, tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, giá trị kinh tế cao, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu; phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn cho người dân về kiến thức sản xuất an toàn.
Qua đó cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.
Bài, ảnh: Mai Liên