Trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Nhịp sống bình thường của người dân đã bắt đầu trở lại sau cơn bão lịch sử.
Hơn 1 mẫu cây phật thủ của gia đình anh Vương Trí Toàn, xã Liên Châu (Yên Lạc) bị ngập 80%, có nguy cơ mất trắng.
Sau 3 ngày trang trại chăn nuôi bị ngập sâu trong nước, sáng 13/9, nướt rút, trời hửng nắng, 10 công nhân của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, thôn Nhật Chiêu, xã Liên Châu (Yên Lạc) đã làm việc xuyên trưa dọn dẹp bùn đất, vệ sinh chuồng trại để đưa đàn vật nuôi trở lại và chuẩn bị tái đàn nhằm ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm vào dịp cuối năm.
Trang trại của gia đình ông Tâm rộng 4 ha, nuôi gần 40 nghìn gà đẻ trong 3 dãy chuồng trại khép kín, ứng dụng hệ thống cảm ứng nhiệt độ... với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng; mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Mưa lớn và nước sông Hồng lên nhanh khiến chuồng trại bị ngập, gia đình cùng với chính quyền địa phương chỉ kịp đưa 35 nghìn con gà đến nơi an toàn. Sau bão số 3, hệ thống chuồng trại nuôi gà cùng các thiết bị điện phục vụ chăn nuôi và một phần thức ăn cho đàn vật nuôi bị hư hỏng; hơn 5 nghìn con gà bị chết; nguy cơ dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi rất lớn.
Công nhân trang trại nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (Yên Lạc) dọn dẹp bùn đất, vệ sinh chuồng trại để đưa đàn vật nuôi trở lại.
Chủ động khôi phục sản xuất, sau khi nước rút, gia đình ông đã thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi để tiêu diệt các loại mầm bệnh trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi; gia cố trang trại, đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi; sửa chữa, mua mới các thiết bị điện. Hiện, hoạt động chăn nuôi tại trang trại đã dần ổn định.
Với 2,5 mẫu trồng 600 cây phật thủ, trong đó có 1 mẫu ngập 80% cây của gia đình anh Vương Trí Toàn ở xã Liên Châu (Yên Lạc) có nguy cơ bị mất trắng do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ. Cắt bỏ những quả bị thối, cành héo do 3 ngày bị ngập sâu trong nước, anh Toàn cho biết: Cây phật thủ đang ra hoa và quả non nên khi cây bị ngập sâu trong nước rất dễ bị rụng lá, quả héo và thối rễ.
Đối với diện tích 1,5 mẫu ngập 50% cây có khả năng phục hồi, sau khi nước rút, gia đình đã loại bỏ những cành già cỗi, sâu bệnh, vàng lá; tưới thuốc nấm và dùng thuốc kích thích rễ giúp cây phục hồi nhanh, dự kiến thu hoạch quả vào cuối năm.
Được biết, năm 2021, gia đình anh Toàn đầu tư hơn 1 tỷ đồng trồng cây phật thủ; tiền phân bón, công chăm sóc hằng năm lên tới 500 triệu đồng. Năm 2023 là năm thu hoạch đầu tiên với doanh thu 700 triệu đồng.
Ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết: Hiện, toàn xã có 80 hộ dân sống ở ven sông Hồng, trong đó có 12 hộ đầu tư trang trại chăn nuôi lớn; 18 hộ trồng chuối, cây phật thủ bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Đây là những hộ đầu tư lớn về trồng trọt, chăn nuôi nên thiệt hại rất lớn. Sau khi nước rút, UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi… đảm bảo sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến 11h ngày 12/9, trên địa bàn huyện Yên Lạc có 5 trường học bị tốc mái; Trường THCS Trung Hà bị ngập nước; 43 nhà dân bị ảnh hưởng; 4 công trình phụ bị tốc mái và hơn 1.028m tường rào bị đổ sập.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện ước tính có hơn 2.600ha cây trồng bị ảnh hưởng, đổ, ngập; 47 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, bị sập; 28,8ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ.
Khắc phục thiệt hại sau bão số 3 và mưa lũ, nhất là đối với 6 xã ven sông Hồng, các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Lạc và thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TTCN huyện, các cụm Nguyệt Đức, Liên Châu, Đồng Cương đã nhanh chóng đánh giá tình hình, tập trung khắc phục các sự cố nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân.
Nhiều cơ sở hạ tầng, nhà ở của các hộ dân và hệ thống cây xanh bị ảnh hưởng, đổ, gãy đã được các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng cùng với nhân dân khẩn trương khắc phục. Trong đó, hệ thống điện đã được ngành điện sửa chữa, khắc phục và cấp điện trở lại; cây xanh bị đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông, trụ sở các cơ quan, đơn vị đã được xử lý, thu dọn. Toàn bộ diện tích lúa bị đổ trên địa bàn đang được các xã, thị trấn và nhân dân khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo báo cáo nhanh của các sở, ngành, địa phương, tính đến 13h ngày 13/9, bão số 3 làm 2 người chết tại xã Sơn Đông, 2 người bị thương ở xã Đồng Ích (Lập Thạch); 338 nhà ở bị thiệt hại; 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa các loại, 14 trụ sở cơ quan, 11 nhà kho phân xưởng bị ảnh hưởng; khoảng 27.210 cây xanh gãy đổ...
Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, mưa lớn làm 9.830 ha lúa, 2.296 ha hoa màu bị ảnh hưởng; gần 18 nghìn con gia cầm, 600 con gia súc bị chết; 941ha thủy sản bị ảnh hưởng.
Trang trại nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm dần hoạt động ổn định trở lại.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã tổ chức các đoàn xuống hiện trường kiểm tra công tác khắc phục hậu quả; yêu cầu các địa phương rà soát kỹ các điểm có nguy cơ sạt lở, các vị trí ngầm tràn qua suối, tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.
UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy tiền phương để chỉ đạo kịp thời ứng phó với mức báo động số III trên sông Phó Đáy và khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã cấp 200 áo phao, 100 phao tròn cho xã Sơn Đông để phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Sở NN&PTNT chỉ đạo các Công ty TNHH MTV thủy lợi tập trung vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu, phương tiện tiêu nước, hiện đã khắc phục xong ngập úng trong đồng.
Ngay khi nước lũ rút, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã hướng dẫn người chăn nuôi tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết, phân loại để xử lý; tiêu độc, khử trùng vùng chăn nuôi bị thiệt hại để tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi; cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm, bổ sung vitamin, premix khoáng, men tiêu hóa... cho đàn gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
Đối với thủy sản, các hộ nuôi cá trong ao cần tháo rút, giảm lượng nước trong ao, chạy máy quạt nước, sục khí, cân bằng môi trường nước ao; khử trùng bằng vôi, bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn; kiểm tra, gia cố bờ ao bị sạt lở, đề phòng có thể xảy ra các đợt mưa lớn tiếp theo; thu gom, xử lý rác, chất thải và thủy sản chết. Đối với các ao cá bị thất thoát do mưa bão cần thả bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế....
Trước diễn biến còn phức tạp của mưa lũ trong thời gian tới, người dân cần tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, bám sát chỉ đạo của ngành chức năng, chủ động thực hiện biện pháp an toàn sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: Mai Liên