Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.
Ông Lý Đăng Khoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất dưa chuột VietGAP (Tổ hợp tác) xã Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hoá) cho hay, vụ đông này Tổ hợp tác đưa vào gieo trồng 3ha dưa chuột theo hướng VietGAP, thu được gần 120 tấn quả, cho doanh thu 950 triệu đồng, lãi trên 600 triệu đồng.
Sản xuất theo VietGAP ruộng dưa nào cũng khá sạch bệnh. Ảnh: Hải Tiến
Đạt được thu nhập cao nêu trên là nhờ Tổ hợp tác đưa vào trồng giống dưa chuột nếp Hà Trung do Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phục tráng từ quần thể giống dưa chuột lâu đời của Hà Trung và đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đặc cách công nhận giống vào tháng 9/2024.
Theo ông Khoa, Tổ hợp tác chọn trồng giống dưa chuột nếp Hà Trung vì giống có ưu điểm sinh trưởng, phát triển khỏe, độ đồng đều cao, khả năng chống chịu bệnh tốt, nhất là bệnh phấn trắng nên các hộ trồng giống dưa này đều đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất đại trà từ 18 - 20%.
Trước đó, trong vụ xuân hè, Tổ hợp tác trồng giống dưa này cũng cho kết quả tương tự. Gia đình ông Khoa trồng 2 sào (500m2) dưa chuột nếp Hà Trung thu được ngót 4 tấn quả, lãi hơn 21 triệu đồng, tương đương năng suất 40 tấn/ha, giá trị thu hoạch/ha canh tác/vụ đạt 320 triệu đồng, tăng 6,4 triệu đồng/ha so với các hộ trồng dưa ngoài Tổ hợp tác.
Bà Mai Thị Hồng (thành viên Tổ hợp tác) trồng 3 sào dưa chuột, đạt năng suất 1,8 tấn/sào (36 tấn/ha), tương đương với năng suất dưa của bà con trồng đại trà nhưng giá trị thu hoạch tăng khoảng 8 triệu đồng, giá bán quân bình 8.000 đồng/kg.
Theo bà Hồng, để sản xuất được những trái dưa an toàn, các thành viên trong Tổ hợp tác phải chọn trồng giống có khả năng kháng bệnh cao như dưa chuột nếp Hà Trung, bón cân đối đạm, lân, kali để hàm lượng Nitrat (N03) trong sản phẩm không vượt ngưỡng quy định. Đồng thời, thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các hộ đều áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây dưa như luân canh dưa chuột với cây lúa nước; thu gom, thiêu huỷ sạch tàn dư thực vật sau thu hoạch; bón lót vôi để phòng cây chết xanh; trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh như Kasumin 2SL, Anisaf 02, Aniaf 03...
Sang thăm ruộng của bà Cường (trong Tổ hợp tác) cũng thấy cây dưa phát triển cân đối, ít sâu bệnh, quả đồng đều, thịt chắc, giòn thơm, ngọt mát, quả sai bện vào nhau. Bà Cường cho biết, khó nhất trong trồng dưa chuột vụ đông ở đây là có nhiều ngày nhiệt độ không khí xuống dưới 20 độ C kèm theo gió thổi mạnh, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển và khả năng ra hoa, đậu qủa của cây dưa.
Để giảm thiểu mối nguy hại này, các hộ thường lợi dụng địa hình để chọn trồng dưa trên những chân ruộng được che chắn bởi đồi núi, kết hợp dùng bạt nông nghiệp quây che bên ngoài ruộng tại các hướng trống trải, đồng thời tăng cường bón tro bếp, kali, giảm bón đạm hoặc NPK có hàm lượng Urê cao nhằm tăng khả năng đậu quả, giảm héo táp lá non và ngọn non vì gió, nhất là gió mùa đông bắc. "Khắc phục được những yếu tố thời tiết bất thuận này, cây dưa sẽ cho nhiều quả vào những ngày giá rét và sẽ càng thu được lợi nhuận cao vì khi đó giá dưa trên thị trường thường cao gấp 2 - 3 lần so với ngày mùa đông ấm nóng", bà Cường bật mí.
Ông Nguyễn Ngọc Lừ, Trưởng thôn Thọ Lộc (xã Hà Lĩnh) cho biết, dưa chuột nếp là cây trồng cho thu nhập chính của người dân trong thôn vì hiệu quả sản xuất luôn cao gấp 4 - 5 lần thâm canh lúa. Mỗi năm toàn thôn trồng gần 30ha dưa chuột các loại.
Tuy nhiên mấy năm gần đây, đất canh tác bị thoái hoá, giống dưa cũng bị thoái hoá, sâu bệnh gây hại nhiều, ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của nhà nông. Nay được Viện Nghiên cứu Rau quả hỗ trợ phục tráng giống và trình diễn mô hình sản xuất dưa chuột VietGAP, thu nhập của người dân đã tăng cao trở lại. Đây là điều kiện để chính quyền thôn nhân rộng mô hình Tổ hợp tác sản xuất dưa VietGAP.
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)