Nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trong tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành, đẩy nhanh chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng Viện KSND điện tử, hướng tới Viện KSND số, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn và năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND tỉnh ứng dụng phần mềm dùng chung cho ngành Kiểm sát. Ảnh: Dương Hà
Thực hiện khâu đột phá năm 2024 là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh quán triệt, triển khai chỉ thị của Viện KSND Tối cao về tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát; ban hành Quy định về việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Quan tâm nâng cấp hạ tầng CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên thông; xây dựng Cổng thông tin điện tử của ngành đáp ứng yêu cầu tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT cho cán bộ, kiểm sát viên.
Hiện nay, Viện KSND hai cấp thực hiện tốt Hệ thống chỉ tiêu và phần mềm thống kê mới, xây dựng báo cáo thống kê đảm bảo chính xác, chất lượng phục vụ tốt cho việc xây dựng các loại báo cáo và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Tất cả các đơn vị đều được lắp đặt mạng LAN và kết nối internet. 100% tài liệu, văn bản không thuộc danh mục bí mật nhà nước được gửi, nhận qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành hoặc qua hệ thống thư điện tử của ngành.
Nhờ vậy, giúp lãnh đạo viện kiểm soát được số lượng vụ án của kiểm sát viên đang thụ lý ở từng giai đoạn, số án tạm đình chỉ, đình chỉ, trả hồ sơ điều tra bổ sung… để chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Qua các phần mềm, hồ sơ được lưu trữ, sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu, theo dõi và truy xuất dữ liệu nhanh, kịp thời, chính xác.
Trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, Viện KSND hai cấp trong tỉnh đã khai thác tốt hệ thống truyền hình trực tuyến để phục vụ công tác giao ban, tổ chức các hội nghị tập huấn, phiên tòa rút kinh nghiệm để nhiều người được tham gia, giúp tiết kiệm kinh phí và thời gian đi lại.
Nhất là các hội nghị sơ kết, tổng kết do Viện KSND tỉnh tổ chức đều trình chiếu các video, hình ảnh, clip về kết quả, phương hướng nhiệm vụ, các hoạt động khám nghiệm hiện trường, thực hành quyền công tố tại phiên tòa… giúp giảm đáng kể số lượng báo cáo, vừa tăng tính trực quan và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Viện KSND hai cấp sử dụng và phát huy hiệu quả các phần mềm dùng chung cho toàn ngành, như: Hệ thống thông tin quản lý và thống kê án hình sự; hệ thống thông tin quản lý và thống kê các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản doanh nghiệp; phần mềm thống kê; thư điện tử; quản lý cán bộ; kế toán; hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc...
Trong hoạt động nghiệp vụ, với quyết tâm cao, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Viện KSND hai cấp đã nỗ lực nghiên cứu, tập trung thực hiện tốt công tác số hóa hồ sơ vụ án, trình chiếu tài liệu, chứng cứ đã được số hóa bằng hình ảnh tại phiên tòa và báo cáo án bằng sơ đồ hóa trong giải quyết án.
Trong đó, việc ứng dụng sơ đồ tư duy được coi là bước đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành kiểm sát, đáp ứng nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Năm 2023, Viện KSND hai cấp trong tỉnh đã thực hiện sơ đồ hóa 117 vụ án hình sự, 43 vụ án dân sự, kinh doanh thương mại. Bước đầu, Viện KSND hai cấp đã lựa chọn các vụ án hình sự phức tạp, có nhiều bị can, nhiều hành vi phạm tội hoặc nhiều đối tượng liên quan; các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến nhiều quan hệ tranh chấp, nhiều đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc các vụ án về thừa kế để thực hiện sơ đồ hóa.
Việc báo cáo án bằng hình thức sơ đồ tư duy rất dễ hiểu, giúp việc đánh giá chứng cứ, xác định hành vi phạm tội khách quan, chính xác. Từ đó, nâng cao chất lượng giải quyết án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Những kết quả đạt được đã khẳng định việc tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thu Nhàn