Mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, những năm qua, nông dân trong tỉnh đã tận dụng tốt thời cơ, tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp bứt phá, phát triển. Trong đó, nhiều mô hình được đầu tư quy mô, bài bản, cho giá trị gia tăng cao, là khởi nguồn giúp kinh tế các vùng nông thôn không ngừng khởi sắc.
Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thanh long trái vụ đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân huyện Lập Thạch.
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, không khí tại trang trại thanh long của gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng, thôn Văn Trưng, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) luôn náo nhiệt, ngoài tiếng nói cười rôm rả của người lao động đang tập trung chăm sóc cây trồng còn có sự xuất hiện của các thương lái đến đặt hàng phục vụ thị trường Tết.
Nhờ ứng dụng công nghệ, sử dụng bóng đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ, kéo dài vụ thanh long thêm 2 tháng so với thông thường, trang trại thanh long của gia đình anh Hoàng trở thành điểm cung cấp thanh long ruột đỏ uy tín mỗi dịp Tết đến.
Anh Hoàng chia sẻ: Để kích cho cây thanh long ra hoa trái vụ, ngoài các kỹ thuật chăm sóc cơ bản, cần phải lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiện đại, hệ thống tưới tự động, theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây.
Nhất là với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc thời điểm giáp Tết, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn, người trồng cần có các biện pháp kịp thời để bảo vệ hoa, quả trong quá trình phát triển, canh đúng thời điểm ra hoa để quả chín đúng dịp Tết. Tuy tốn công sức hơn, song nhu cầu của thị trường tiêu thụ rất lớn, giá bán lại cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với chính vụ, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người nông dân.
Đam mê, theo đuổi nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, anh Trần Duy Hưng đã tự mày mò, tìm hiểu nhiều mô hình nuôi ốc từ Nam ra Bắc, chọn lọc những kỹ thuật tiên tiến, vận dụng các giải pháp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng đất chiêm trũng của xã Trung Kiên (Yên Lạc).
Với nhiệt huyết tuổi trẻ, giàu sáng tạo, anh Hưng đã hồi sinh hơn 4ha diện tích đất nông nghiệp thường xuyên bị ngập úng, khó canh tác, biến vùng đất này thành trang trại ốc nhồi quy mô lớn, sản lượng từ 15 - 20 tấn/năm, cung cấp ra thị trường hàng trăm vạn con ốc giống, thu nhập đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.
Không giữ nghề, anh Hưng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều nông dân trong tỉnh cải tạo ao nuôi, dần mở rộng vùng nuôi ốc nhồi, đem lại triển vọng kinh tế mới cho các vùng đất khó.
Từ dự án ương giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 dưới sự hỗ trợ công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Hoàng Hải (Phúc Yên) đã triển khai hiệu quả mô hình ương giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh tại thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên), bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.
Trong thời gian triển khai dự án, công ty đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao thành công kỹ thuật nuôi tôm cho một số bà con, trong số đó đã có những hộ đã mạnh dạn học hỏi, thử sức với kỹ thuật mới cho thành công bước đầu, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp công nghệ cao, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của vùng đất Trung Mỹ.
Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm tại xã Trung Kiên (Yên Lạc) mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho các diện tích chiêm trũng cấy lúa kém hiệu quả.
Có thể thấy, trong những năm qua, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân của Trung ương và tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, kết hợp với tinh thần ham học hỏi, tự lực tự cường, nông dân Vĩnh Phúc đã và đang không ngừng đổi mới sáng tạo, áp dụng thành công nhiều kỹ thuật thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào, đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm của nông dân Vĩnh Phúc đã vươn mình đến đẳng cấp sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, thậm chí 5 sao cấp tỉnh.
Đó là cơ sở thực tiễn để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra cho nông sản, nâng cao vị thế của nông dân Vĩnh Phúc và ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, gồm 18 chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, nấm, quả thanh long ruột đỏ của các doanh nghiệp, HTX; 4 chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt lợn, thịt gà an toàn; 2 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm (giò chả, xúc xích, bánh chưng) và 1 chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm từ sữa bò; 1 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm bò thịt; 1 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm trà hoa vàng Tam Đảo; 1 chuỗi trứng gà.
Năm 2024, dù ngành nông nghiệp của tỉnh gặp không ít khó khăn, chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), song tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản (giá so sánh năm 2010) của tỉnh vẫn đạt 1,5 - 1,6% so với năm 2023, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đảm bảo các mục tiêu về an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho người dân.
Bài, ảnh: Chu Kiều