Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ phát triển du lịch, Sở VH-TT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục về lịch sử, truyền thống hiếu học, là điểm đến du lịch văn hóa của tỉnh.
Nhiều hiện vật, cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, thu hút nhiều học sinh và du khách tới tham quan. Ảnh: Kim Ly
Bảo tàng tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH-TT&DL, không chỉ có chức năng, nhiệm vụ là thiết chế văn hóa với các khâu nghiệp vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, phổ biến các hiện vật của bảo tàng mà còn thực hiện nhiệm vụ khảo cứu, lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm, phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng Vĩnh Phúc tại Văn Miếu tỉnh.
Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của miền "địa linh, nhân kiệt", những năm qua, công tác bảo tàng luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở VH-TT&DL. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện việc chỉnh lý, bổ sung, đổi mới trưng bày nội thất phần “Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930”; bổ sung hiện vật trưng bày ngoài trời gồm nhóm hiện vật điêu khắc đá (tượng người, tượng linh vật, bia, thành phần kiến trúc…), nhóm hiện vật vũ khí, khí tài của quân đội liên quan đến chiến công của quân và dân Vĩnh Phúc (xe tăng, máy bay, pháo cao xạ...).
Đồng thời bổ sung các hiện vật trưng bày về truyền thống hiếu học, khoa cử qua các thời kỳ lịch sử; lắp đặt thiết bị trưng bày nội thất tại khu nội tự, dãy tả mạc, hữu mạc, trưng bày ngoài trời tái hiện lại không gian trường thi, các nghi lễ tôn vinh khoa bảng… nhằm phát huy hiệu quả công năng của Văn Miếu tỉnh.
Các thiết chế Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh là địa điểm tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; trình diễn văn hóa phi vật thể; biểu diễn thư pháp, thư họa; trưng bày sách, báo; trình diễn các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống; trưng bày sinh vật cảnh; tổ chức các hội thi, hội diễn, chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ…
Nhiều hoạt động tiêu biểu được tổ chức tại các thiết chế văn hóa Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh như hội thi dân ca, dân vũ các câu lạc bộ nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022; công diễn tiết mục sân khấu hóa trò chơi, trò diễn “Trâu rơm bò rạ” xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường và “Kéo Song”, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên; Hội Báo Xuân Vĩnh Phúc với các hoạt động trưng bày sách, báo, tạp chí và biểu diễn thư pháp.
Học sinh tìm hiều về truyền thống hiếu học của quê hương tại Văn Miếu tỉnh. Ảnh: Kim Ly
Đầu năm 2023, Sở VH-TT&DL tổ chức khai mạc các hoạt động du lịch Xuân tại Văn Miếu tỉnh với nhiều hoạt động như trưng bày, giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch Vĩnh Phúc; các sản phẩm OCOP và sản phẩm quà tặng du lịch của tỉnh; trưng bày triển lãm cổ vật và quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với chủ đề “Du lịch qua miền di sản Vĩnh Phúc”; trưng bày, giới thiệu các tài liệu chuyên đề về vùng đất và con người Vĩnh Phúc…
Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên thông qua các trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh. Đặc biệt, Văn Miếu tỉnh là địa điểm tổ chức lễ báo công, lễ tuyên dương, khen thưởng, vinh danh các tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động, công tác.
Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn, Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh thu hút ngày càng đông người dân địa phương và du khách tới tham quan, trải nghiệm. Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, 9 tháng năm 2023, Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh đón hơn 41.000 lượt khách tới tham quan.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Mai Văn Trung cho biết: "Để phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh, đơn vị đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa phần mềm các sưu tập, hiện vật phục vụ công tác lưu giữ và quảng bá hiện vật của bảo tàng.
Năm 2023, Bảo tàng tỉnh đã giới thiệu, kích hoạt ứng dụng thuyết minh tự động “63Stravel” tại Văn Miếu tỉnh. Du khách có thể sử dụng điện thoại thông minh truy cập vào ứng dụng hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động đa ngôn ngữ kèm hình ảnh minh họa trực quan sinh động về không gian kiến trúc và thân thế, sự nghiệp của các vị tiến sĩ khắc trên 18 bia đá tại Văn miếu tỉnh".
Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tăng cường ký kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đưa Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh là điểm đến trong hành trình các tour du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu nội dung và chương trình hoạt động của Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội…
Tổ chức giao lưu, trao đổi, trưng bày, giới thiệu hiện vật với các bảo tàng Trung ương, bảo tàng khu vực, bảo tàng các tỉnh và các bảo tàng trên thế giới nhằm quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Vĩnh Phúc tới công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh.
Bạch Nga