Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của người trực tiếp sử dụng cũng như người thụ động hít phải khói thuốc lá. Theo các bác sĩ, thuốc lá được chứng minh là một trong những nhân tố gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, trong đó, điển hình là ung thư phổi và một số loại ung thư khác.
Bác sỹ khám và theo dõi tiến triển của bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ảnh Nguyễn Lượng
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hảo, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó, có khoảng 200 chất độc hại, bao gồm chất gây nghiện (nicotine) và các chất gây độc, các chất gây ung thư. Các chất này khi tiếp xúc với niêm mạc đường hô hấp sẽ gây nên hiện tượng viêm nhiễm lâu ngày, sau đó, làm biến đổi cấu trúc của vùng tiếp xúc, gây dị sản và loạn sản tế bào (sự bất thường trong phát triển tế bào và cấu trúc mô học, giai đoạn chuyển tiếp dẫn đến ung thư), từ đó, tạo thành tế bào ác tính. Không chỉ là nguyên nhân gây ung thư, khi khói thuốc lá được hít qua phổi, nó sẽ ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, các viêm nhiễm về hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Do đó, bệnh nhân hút thuốc dễ bị rụng tóc, đục thủy tinh thể, giảm thính lực, loãng xương, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vàng móng tay. Một số bệnh ung thư được chứng minh do tác hại của thuốc lá gây ra là: Ung thư phổi, ung thư da, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, ung thư khoang miệng, ung thư cổ tử cung và ung thư vú ở nữ giới… Trẻ em hít phải khói thuốc lá dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng.
Trong các loại ung thư mà thuốc lá là tác nhân gây bệnh, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên cho biết: “Khói thuốc lá gây ảnh hưởng nặng nề tới chức năng của phổi, làm giảm khả năng trao đổi oxi ở phổi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tăng mạnh. Đáng chú ý, có tới hơn 40% bệnh nhân mà chúng tôi tiếp nhận điều trị mắc ung thư phổi, trong đó, có nhiều bệnh nhân đã từng sử dụng thuốc lá. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao, chi phí điều trị lớn”.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tổng số 2.000 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú hàng nămcó tới hơn 500 bệnh nhân mắc ung thư phổi. Phần lớn, các bệnh nhân đều có tiền sử trực tiếp sử dụng thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá do môi trường xung quanh. Bệnh nhân Đỗ Văn Hậu, 69 tuổi (Yên Phương, Yên Lạc) cho biết: "Tôi hút thuốc lá từ năm 18 tuổi và đã từng có thời gian dài sử dụng thuốc lá với liều lượng rất lớn. Khi tính chất công việc càng căng thẳng, mệt mỏi, áp lực thì tần suất hút thuốc lá của tôi càng nhiều nhằm giúp đầu óc minh mẫn, tỉnh táo. Sau quá trình dài hút thuốc lá, đến năm 40 tuổi, tôi bắt đầu thấy xuất hiện các dấu hiệu như ho kéo dài, sức khỏe giảm sút nhưng vì đã nghiện thuốc lá nhiều năm nên dù biết là không tốt nhưng tôi vẫn không thể ngừng hút. Vài năm trở lại đây, tôi phát hiện ra mình bị ung thư giai đoạn muộn, các cơn ho ngày càng dày và dai dẳng về đêm, ho kèm theo máu; dù được điều trị tích cực song bệnh tình không thuyên giảm. Từ hoàn cảnh thực tế của bản thân, tôi mong rằng, sẽ không ai nghiện thuốc lá như tôi, đồng thời, tránh hít phải khói thuốc lá thụ động từ môi trường xung quanh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân”.
Cũng là một bệnh nhân mắc ung thư phổi, ông Đỗ Đức Học (66 tuổi, huyện Sông Lô) luôn vận động con cháu không sử dụng thuốc lá bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng, thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hút mà nó còn gây hậu quả nặng nề cho những người xung quanh, đặc biệt là với trẻ em.
Theo các nghiên cứu, mức độ nguy cơ dẫn đến ung thư sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá. Hút thuốc lá ở lứa tuổi càng trẻ, nguy cơ ung thư càng cao. Phân tích chi tiết về liều lượng mà người hút thuốc lá sử dụng có thể dẫn đến ung thư, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hảo cho rằng: Bất kể sử dụng với liều lượng ít hay nhiều thì cũng tăng nguy cơ mắc ung thư. Khi đồng thời hút thuốc kết hợp với các tác động xấu của môi trường thì khả năng dẫn tới ung thư càng lớn. Bên cạnh đó, ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác thường không có biểu hiện trong giai đoạn sớm nên rất khó phát hiện bệnh. Khi bệnh nhân mắc ung thư phổi đã có tiến triển nặng thường xuất hiện các dấu hiệu như: Ho kéo dài, điều trị kháng sinh không đỡ, khạc ra máu, đau ngực, sút cân không rõ nguyên nhân, khàn tiếng, khó thở do khối u chèn ép lên phổi. Một số hội chứng cận u như đau khớp gối. Khi u di căn sẽ dẫn đến nổi hạch ở thượng đòn, làm tăng áp lực nội sọ và liệt dây thần kinh khu trú (đau đầu, mờ mắt, thậm chí mù, liệt chân hoặc tay) hoặc bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều ở các khớp xương… Với các bệnh ung thư khác như ung thư thực quản, thanh quản, ung thư vòm họng, bệnh nhân thường bị nuốt nghẹn, đau đầu, khàn tiếng… Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị rất thấp, vì thế, với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá và thường xuyên hít phải khói thuốc lá nên đi tầm soát sớm để kịp thời phát hiện ung thư, đồng thời, thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh nguy hiểm khác.
Rõ ràng, hút thuốc lá gây ra những tác hại to lớn cho sức khỏe – đó là điều ai cũng biết, song, hiện nay, số người hút thuốc lá vẫn chưa giảm, đặc biệt lứa tuổi sử dụng thuốc lá đang ngày càng trẻ hóa. Đây là một thực trạng đáng buồn đang cần những giải pháp hữu hiệu và sự chung tay của cả cộng đồng nhằm làm giảm số lượng người hút thuốc, từ đó, làm giảm gánh nặng về bệnh tật cho gia đình và xã hội.
Quỳnh Hương