Thời gian gần đây, nhiều đường dây cung ứng thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn đã bị phát hiện, cho thấy mức độ tinh vi và phức tạp của các hành vi vi phạm. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm trở thành nỗi lo thường trực ngay trong từng bữa ăn của mỗi gia đình.
Khách sạn Venus Tam Đảo luôn chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Dương Chung
Bữa ăn hàng ngày là yếu tố quyết định trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Trước áp lực thời gian và công việc ngày càng lớn, thói quen ăn uống thiếu khoa học, thực phẩm không đảm bảo chất lượng đang âm thầm trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, tim mạch hay ngộ độc cấp tính.
Là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống phát triển mạnh, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, những vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.
Điển hình như vụ việc vừa được Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện ngày 13/5. Hơn 1 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc, có biểu hiện xuất huyết ngoài da được sơ chế tại Nhà hàng Thanh Mai (Vĩnh Yên) để chuẩn bị cung cấp cho một công ty tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên).
Số thịt lợn này được bày la liệt trên nền bê tông của vỉa hè trước nhà hàng, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Chủ nhà hàng và các cá nhân liên quan không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tình trạng kiểm dịch của số thịt lợn này. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.
Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc được phát hiện gần đây, phản ánh thực trạng đáng báo động về ý thức và đạo đức kinh doanh của một bộ phận cơ sở chế biến, buôn bán thực phẩm vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng.
Trên cả nước, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, thu giữ và tiêu hủy hàng loạt thực phẩm kém chất lượng như gần 10 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tại huyện Mê Linh và huyện Thanh Trì (Hà Nội); hơn 2.000 hộp kẹo táo đỏ không rõ xuất xứ bán qua nền tảng TikTok tại tỉnh Quảng Ninh; hay vụ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không đảm bảo điều kiện bảo quản, vận chuyển bị tạm giữ tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh)...
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, khiến không ít người phải nhập viện. Những vụ việc này không chỉ xảy ra tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ mà còn tiềm ẩn trong các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn... nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến lưu thông, tiêu dùng.
Trường mầm non Hội Hợp B (Vĩnh Yên) ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc để đảm bảo bữa ăn an toàn cho trẻ.Ảnh: Dương Chung
Tại Vĩnh Phúc, dù từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến ngộ độc thực phẩm, song các cơ quan chức năng luôn chủ động triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát tại chợ dân sinh, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn... Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa ăn tập thể và bữa cơm gia đình.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú như các chương trình truyền thông với chủ đề “Ăn sạch - Sống khỏe”; các lớp tập huấn kỹ năng lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn cho công nhân, học sinh, hội viên nông dân, hội viên phụ nữ...
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phần lớn các bệnh mãn tính hiện nay như ung thư, tim mạch, tiểu đường... đều liên quan trực tiếp đến bữa ăn mất cân bằng dinh dưỡng và thiếu an toàn. Việc tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa hóa chất, phụ gia không được phép không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe con người, làm tăng gánh nặng bệnh tật cho xã hội.
Để có những bữa ăn an toàn, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ưu tiên các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, OCOP, thực phẩm hữu cơ...
Đồng thời cần kiên quyết nói không với thực phẩm giá rẻ, trôi nổi, không nhãn mác, có dấu hiệu bất thường về màu sắc, mùi vị. Khi toàn xã hội cùng hành động, mỗi bữa ăn sẽ thực sự trở thành nguồn nuôi dưỡng sức khỏe và sự sống, thay vì là mối nguy hại âm thầm đối với cộng đồng.
Minh Nguyệt