Hưu trí là chế độ cốt lõi, quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm bảo đảm nguồn thu nhập lâu dài, ổn định cho người tham gia khi hết tuổi lao động. Với việc được hưởng chế độ hưu trí, bao gồm lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí đã giúp nhiều người dân có điểm tựa vững chắc khi về già, hết tuổi lao động.
Là giáo viên về hưu đã được gần 10 năm, thời điểm mới nghỉ hưu, mức lương hưu hằng tháng của bà Nguyễn Thị Yến, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) khoảng 4 triệu đồng. Qua các lần điều chỉnh lương hưu, đến nay, lương hưu của bà Yến là gần 8 triệu đồng/tháng.
Bà Yến chia sẻ: “Ngoài lương hưu của tôi thì ông nhà tôi cũng có lương hưu khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chế độ lương hưu của Nhà nước đã chúng giúp tôi ổn định cuộc sống, có thể tự lo cho bản thân, không phải phụ thuộc vào con cháu”.
Ngoài người lao động làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc thì lao động tự do cũng có thể tiếp cận được chính sách hưu trí khi về già nếu tham gia BHXH tự nguyện đủ số năm và đủ tuổi nhận lương hưu theo quy định.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia. Ảnh: Trà Hương
Được triển khai thực hiện từ năm 2008, BHXH tự nguyện mở ra cơ hội cho lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Nếu như trước năm 2008 chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu, thì nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả người dân từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia để được hưởng chế độ hưu trí. Đặc biệt, BHXH tự nguyện có phương thức đóng rất linh hoạt, mức phí phù hợp với khả năng đóng góp và nguyện vọng thụ hưởng sau này.
Sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho phép người lao động trước đây tham gia BHXH bắt buộc sau khi nghỉ việc có thể chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện hoặc trường hợp chuyển từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc đều được bảo lưu thời gian đã đóng để làm cơ sở tính hưởng chế độ BHXH. Hệ thống chính sách pháp luật BHXH ngày càng được hoàn thiện đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng.
Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 đã điều chỉnh giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ thời gian đóng để hưởng chế độ hưu trí.
Mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã tiến hành 24 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dù tình hình kinh tế có lúc rất khó khăn. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 - 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.
Bên cạnh số tiền lương hưu ổn định hằng tháng, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Nhận thức được ý nghĩa và những quyền lợi của chế độ hưu trí, sau khi nghỉ việc, bà Tống Thị Thủy, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đã chuyển sang tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó. Đến nay, bà đã có 15 năm tham gia BHXH với 5 năm tham gia BHXH bắt buộc và 10 năm tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ còn hơn 1 năm nữa bà Thủy sẽ đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Luật BHXH và sẽ được nhận lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Bà Thủy chia sẻ: “Tôi tham gia BHXH tự nguyện với suy nghĩ như “của để dành” để có “điểm tựa” vững chắc khi về già. Tôi nghĩ khi tuổi cao, sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động thì lương hưu hằng tháng dẫu ít hay nhiều đều đáng quý bởi đây sẽ là khoản tiền để dành giúp tôi ổn định cuộc sống. Vui hơn nữa là tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, nếu ốm đau, bệnh tật sẽ được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh nên càng thêm yên tâm”.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc tuyên truyền tới người dân về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Trà Hương
Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác phát triển người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ, diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đi đôi với đó là ngày càng nhiều người dân có điều kiện được hưởng chế độ hưu trí.
Toàn tỉnh hiện có gần 42,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng với số tiền hưởng lên tới gần 248 tỷ đồng/tháng; tỷ lệ người dân hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 90%.
Để ngày càng nhiều người được thụ hưởng chế độ hưu trí, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH Vĩnh Phúc tiếp tục chú trọng công tác truyền thông về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH nói chung, chế độ hưu trí nói riêng; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải các hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chế độ; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và đăng ký tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện.
Lê Mơ