Thời gian qua, tỉnh triển khai linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị với sản lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, hình thành những chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiệu quả kinh tế.
Mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ của gia đình chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) mang lại hiệu quả kinh tế, cung cấp nhiều loại rau, củ, quả cho thị trường.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 1930 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với danh mục các dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025…
Đến nay, kinh tế nông nghiệp liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện theo đúng định hướng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, khoa học công nghệ tiên tiến được áp dụng vào sản xuất; trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quy hoạch tổng thể dự án Tổ hợp trang trại và nhà máy chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo.
Toàn tỉnh hiện có hơn 200 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hơn 7.800 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng liên kết và phát triển các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra từ 1,5 - 2%/năm.
Sau 1 năm triển khai xây dựng, Dự án Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, chuẩn bị đi vào hoạt động.
Dự án do Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam Vilico - Tập đoàn Vinamilk và Tập đoàn Sojitz Nhật Bản làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích gần 75ha tại xã Minh Quang (Tam Đảo) và xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) với tổng mức đầu tư 500 triệu USD.
Dự án có 2 phân khu chính, được quy hoạch xây dựng và vận hành theo quy trình khép kín, gồm trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10 nghìn con, đạt chuẩn Global G.A.P với chế độ chăm sóc đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao và nhà máy chế biến thịt bò mát sử dụng dây chuyền hiện đại, khép kín với công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Đến nay, dự án đã vận hành thử nghiệm quy trình chế biến thịt bò theo tiêu chuẩn Nhật Bản với hệ thống làm lạnh nhanh tại chỗ, giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sau khi chính thức đi vào hoạt động, dự án xây dựng hệ thống cung cấp thịt bò chất lượng cao và ổn định tại thị trường Việt Nam nói riêng, thị trường các nước thuộc khu vực Đông Nam Á nói chung và hướng đến việc xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Để thu hút các nguồn lực kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục huy động và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ và chuỗi giá trị nông nghiệp.
Tích cực đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao trình độ sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như tự động hóa, công nghệ sinh học và số hóa nông nghiệp… giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, giảm dần sản xuất theo phương thức truyền thống, mở rộng các ngành chế biến và dịch vụ nông nghiệp. Cùng với đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương và thúc đẩy thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh bình quân đạt từ 2,7 - 3,3%/năm. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 82 nghìn ha; tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm các loại đạt hơn 161 nghìn tấn; sản lượng trứng 970 triệu quả; sản lượng sữa đạt 69.500 nghìn tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6.000 ha; sản lượng thủy sản đạt hơn 31 nghìn tấn; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt từ 22 - 25%...
Bài, ảnh: Ngọc Lan