Với phương châm “An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn”, các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng triển khai các giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro, hướng tới đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và địa phương.
Công ty TNHH Partron Vina, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động trong quá trình làm việc. Ảnh: Kim Ly
Hơn 17 năm thành lập và phát triển, cùng với đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Partron Vina, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) luôn chú trọng thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ, cải thiện, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động (NLĐ) như xây dựng và ban hành kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; tăng cường các hoạt động đối thoại, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho NLĐ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, sơ cấp cứu, đảm bảo xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra…
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Partron Vina cho biết: Để tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, công ty đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc theo dây chuyền, công nghệ hiện đại; bố trí các khu vực làm việc đảm bảo khoa học, thông thoáng và có cửa thoát hiểm; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành quan trắc môi trường lao động 2 lần/năm.
Công ty đã thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 125 người, thường xuyên giám sát, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ tại các công đoạn, phân xưởng; đào tạo, hướng dẫn NLĐ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy trình, nội quy, biện pháp làm việc an toàn…
Để đảm bảo ATVSLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, đặc biệt việc sử dụng các trang thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như nồi hơi, điện, thiết bị trong xây dựng, hàn cắt kim loại… Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng ban hành kết luận, đưa ra nhiều kiến nghị yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ về ATVSLĐ. Phần lớn doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ gắn liền với kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm; cải thiện điều kiện, môi trường tại nơi làm việc; thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện về đảm bảo ATVSLĐ…
Các doanh nghiệp đều thành lập, kiện toàn bộ phận hoặc cử cán bộ quản lý, theo dõi, phụ trách công tác ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho NLĐ; thực hiện quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; quan tâm, chăm sóc sức khỏe NLĐ thông qua việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện, điều trị bệnh nghề nghiệp, chế độ điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động…
Tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc”.
Theo đó, từ ngày 1 - 31/5, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh chủ động triển khai các chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ.
Tăng cường các hoạt động đối thoại, thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng làm việc an toàn cho các doanh nghiệp, NLĐ; chia sẻ các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất lao động.
Các doanh nghiệp rà soát, xây dựng, bổ sung nội quy, quy trình làm việc đảm bảo ATVSLĐ; đồng thời quan tâm, chú trọng các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn các biện pháp ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ, đặc biệt trong việc sử dụng các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về ATVSLĐ trong Tháng hành động về ATVSLĐ…
Phương Anh