Cách đây 65 năm, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết trồng cây. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt vào mỗi độ Tết đến, Xuân về. Trồng cây, gây rừng không chỉ bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu mà còn góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Kim Ly
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, mỗi độ Tết đến, Xuân về, các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia trồng cây. Phong trào trồng cây xanh trở thành nét đẹp văn hóa gắn liền với quá trình phát triển của tỉnh.
Trồng cây, trồng rừng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Theo thống kê, trong 4 năm (2021 - 2024), toàn tỉnh đã trồng hơn 2.700 ha rừng, hơn 3,3 triệu cây phân tán, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Nhiều tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí triển khai trồng cây phân tán như Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã trồng hơn 1 nghìn cây xanh tại các trường học trên địa bàn các huyện Lập Thạch, Sông Lô với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Đô dành 500 triệu đồng mua hơn 1 nghìn cây và trồng tại các trường học thuộc huyện Vĩnh Tường; Công ty TNHH Quảng cáo và truyền thông Tấm, Cám tổ chức trồng 1 nghìn cây ngọc lan vàng tại Khu danh thắng Tây Thiên; Công ty Honda Việt Nam tổ chức trồng 8 nghìn cây phân tán tại huyện Tam Đảo "với mục tiêu vì một Việt Nam xanh"...
Trồng cây, gây rừng đã kiến tạo cho tỉnh môi trường trong lành, cảnh quan tươi đẹp, khí hậu điều hòa, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, môi trường sống, hạn chế thiên tai và phòng, chống biến đổi khí hậu; cải thiện cảnh quan tại các khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp; góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, tại khắp các địa phương trong tỉnh, không khí trồng cây diễn ra sôi nổi.
Nhân dân huyện Yên Lạc hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 tại công viên khu di tích Đồng Đậu. Ảnh: Kim Ly
Tại huyện Yên Lạc, ngày 4/2 (mùng 7 tháng Giêng), UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đây là khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng, tạo khí thế phấn khởi, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025; góp phần cùng cả nước hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh và chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng gần 740 nghìn cây phân tán, 600 ha rừng tập trung, giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25% theo chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, mang lại những hiệu quả thiết thực cho đời sống, môi trường, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học... chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng. Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép trồng cây gây rừng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng bám sát đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Trồng cây gắn với triển khai thực hiện các kế hoạch trồng, bảo vệ và phát triển rừng… Đồng thời phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh cho các tổ chức, lực lượng, tổ dân phố, thôn dân cư và từng hộ gia đình; kịp thời biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác trồng cây gây rừng.
Với mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành đô thị thông minh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tỉnh tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng... góp phần mang lại lợi ích kinh tế, tạo cảnh quan bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, đáng sống.
Hải Nam