Xin chữ là một phong tục, nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc mỗi khi Tết đến, Xuân về. Trải qua những thăng trầm thời cuộc, từng có thời điểm tục xin chữ bị rơi vào quên lãng. Những năm gần đây, tục xin chữ đầu Xuân được khôi phục giúp mỗi người dân đất Việt tìm về với phong vị Tết xưa.
“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Những câu thơ mở đầu bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên đã gợi nhắc cho chúng ta về phong tục xin chữ đầu Xuân của người Việt trong bối cảnh, không gian đặc trưng của ngày Tết với hoa đào, giấy đỏ và phố đông người.
Phong tục này xuất phát từ truyền thống hiếu học của ông cha ta. Những người yêu thích việc học thường trân trọng những con chữ đẹp. Ngày Xuân về, các thầy đồ Nho học, Hán học và Quốc ngữ học tặng cho người xin chữ cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin.
Có thể hiểu, đây là cách tặng lộc qua nét chữ một cách rất tinh tế và khéo léo của người Việt. Việc xin chữ không phân biệt kẻ hèn, sang, địa vị cao, thấp. Mọi người đều giống nhau ở sự thành tâm xin chữ trước người cho chữ.
Nhiều thiếu nhi được ông đồ Nguyễn Duy Sếu cho chữ trong chương trình "Tết ấm áp - Trao yêu thương". Ảnh: Kim Ly
Tại Hội báo Xuân hằng năm, hình ảnh ông đồ cho chữ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Trong không gian lễ hội Tây Thiên, nhiều du khách dừng chân thưởng lãm nghệ thuật thư pháp và xin chữ ông đồ. Các ông đồ có mặt tại các di tích đình, đền… để cho chữ trong dịp đầu Xuân.
Trong chương trình “Tết ấm áp - Trao yêu thương” Xuân Ất Tỵ 2025 do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức tại Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh, các em thiếu nhi được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, gói bánh chưng, đặc biệt là trải nghiệm phong tục xin chữ đầu Xuân.
Ở khu vực được bố trí riêng, ông đồ bày trên bàn những xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mực mài sẵn sàng cho chữ. Các em thiếu nhi xếp hàng, bạn nào cũng háo hức chờ đến lượt để được ông đồ cho chữ.
Mỗi bạn chọn cho mình một chữ khác nhau tùy theo nguyện vọng của bản thân. Nhiều bạn bỡ ngỡ được ông đồ tư vấn chọn chữ phù hợp. Vừa viết chữ, ông đồ vừa giới thiệu về tục xin chữ của người Việt, giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ để các em hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc trong đó.
Vốn là người say mê việc học và có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa truyền thống, ông đồ Nguyễn Duy Sếu, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường), thành viên Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh đã dành nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp cũng như tục xin chữ đầu Xuân của người Việt.
Ông đồ Nguyễn Duy Sếu cho biết: “Theo quan niệm của người Việt, những ngày đầu năm mới là thời điểm đất trời linh thiêng, nếu mọi người thành tâm ước nguyện điều gì thì điều đó sẽ trở thành hiện thực. Việc xin chữ đầu Xuân thể hiện ước vọng của mỗi người, mỗi gia đình về những điều tốt đẹp trong năm mới.
Tùy vào nguyện vọng của mỗi người, họ sẽ xin những chữ khác nhau. Người già xin chữ “Thọ” cầu mong sống lâu bên con cháu. Người làm ăn, buôn bán xin chữ “Lộc”, chữ “Phát” mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người đi học xin chữ “Tài”, chữ “Trí”. Người trẻ tuổi xin chữ “Nhẫn”, “Hiếu”. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”…
Chữ xin về được treo ở một vị trí trang trọng trong nhà, không chỉ làm cho ngôi nhà thêm sinh khí mới mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh, văn hóa sâu sắc”.
Có mặt tại chương trình “Tết ấm áp - Trao yêu thương”, em Đặng Phương An (Vĩnh Yên) cho biết: “Được nghe thầy đồ giới thiệu về ý nghĩa của tục xin chữ, em hiểu thêm về nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Em đã được thầy đồ cho chữ “Hiếu” về để tặng cho cha mẹ. Đã có lúc em bướng bỉnh không nghe lời khiến cha mẹ buồn, chữ “Hiếu” được treo trong nhà sẽ nhắc nhở em luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ngoan ngoãn, học giỏi, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội”.
Người xin chữ không chỉ xin con chữ mà còn xin tài năng, đức độ của ông đồ. Những con chữ như những bức họa rồng bay phượng múa, không chỉ gửi gắm tâm tư, tình cảm của người thủ bút mà còn thể hiện tính cách, tâm hồn và sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Tục xin chữ đầu năm cùng nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp cho thấy sức sống mãnh liệt và sự trường tồn vĩnh cửu của văn hóa Việt trong dòng chảy thời đại. Những ước vọng đầu Xuân được gửi gắm trong từng con chữ là món quà tinh thần ý nghĩa trong dịp đầu Xuân mới Ất Tỵ 2025.
Bạch Nga