Hướng đến sản xuất xanh, phát triển kinh tế bền vững, công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trong các khu công nghiệp (KCN) được tỉnh quan tâm chỉ đạo; đặc biệt là ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ sở, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra công tác xả thải tại khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên).
Thời gian qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, công tác BVMT trong các KCN và trong các doanh nghiệp cơ bản được bảo đảm và ổn định. Công tác kiểm soát các nguồn thải được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nhất là đối với các cơ sở có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là nước thải công nghiệp.
Các KCN trên địa bàn tỉnh đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong 9 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay, có 7 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động với tổng công suất 38.500 m3/ngày.đêm.
Diện tích cây xanh trong KCN cơ bản đảm bảo theo quy định, các KCN đều bố trí khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động; tỷ lệ đấu nối hệ thống xử lý nước thải của các dự án đang sản xuất kinh doanh đạt khoảng 95%.
Nâng cao nhận thức về BVMT cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng KCN, năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, thu hút hơn 400 người đại diện cho các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, chủ trì và phối hợp kiểm tra về công tác BVMT tại 35 doanh nghiệp trong các KCN.
Qua kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã thành lập bộ phận chuyên trách BVMT, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các KCN đều quan tâm và đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý khí thải bằng các phương pháp như lọc bụi bằng Cyclon; hấp thụ bằng dung dịch NaOH và than hoạt tính.
Chất thải rắn công nghiệp được các đơn vị sản xuất thu gom, phân loại tại cơ sở, một phần ít được tái sử dụng, phần còn lại được ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý như Công ty Sản xuất MT&DV Nhật Tân, Công ty TNHH Môi trường công nghiệp xanh, Công ty TNHH Dịch vụ và Môi trường Trọng Hiếu...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác BVMT ở các KCN như hạ tầng, cơ sở vật chất của một số KCN chưa hoàn thiện đầy đủ, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Do vậy, chưa đủ điều kiện để thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp mới cũng như gặp khó khăn trong việc đấu nối, xử lý nước thải đối với các doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động.
Hiện nay, vẫn còn một số doanh nghiệp trong các KCN chưa nâng cao ý thức tự giác trong công tác BVMT do việc đầu tư cho công tác này đã làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào KCN, khi thực hiện các thủ tục về môi trường chưa nắm hết được các nội dung quy định, chưa nhận thức được hết vai trò của đánh giá tác động môi trường hay giấy phép môi trường nên khi triển khai thực hiện dự án còn nhiều thiếu sót.
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, chưa hoàn thành các công trình BVMT trước khi đi vào hoạt động; đã bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Mặt khác, thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường chưa được thực hiện theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại Ban Quản lý các KCN tỉnh; do đó, hạn chế hiệu quả hoạt động của Ban trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với vai trò quản lý trực tiếp đối với các KCN...
Để nâng cao công tác quản lý, BVMT tại các KCN, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển bền vững KCN trên địa bàn. Trong đó, chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình bảo vệ môi trường KCN; các KCN phải đảm bảo hoàn chỉnh hạ tầng xử lý nước thải mới được phép đi vào hoạt động.
Việc phát triển các KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm môi trường của tỉnh, thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án BVMT trong các KCN.
Ban Quản lý các KCN đề nghị UBND tỉnh xem xét phân cấp, ủy quyền cho Ban thực hiện nhiệm vụ về quản lý môi trường theo Nghị định số 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế; đồng thời bổ sung nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm theo Nghị quyết số 47 ngày 18/12/2018 của HĐND tỉnh để phục vụ cho việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát môi trường nước thải, khí thải đối với các công trình BVMT trong KCN nhằm đánh giá và kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, hạn chế các hành vi vi phạm.
Bài, ảnh: Lưu Nhung