Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện theo hướng đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội nhằm giải quyết việc làm (GQVL), cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ). Qua đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH địa phương.
Học viên tham gia buổi học thực tế của lớp đào tạo sơ cấp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho lợn tại xã Lũng Hòa.
Mới đây, huyện Vĩnh Tường đã khai giảng lớp đào tạo sơ cấp nghề nuôi và phòng, trị bệnh cho lợn tại xã Lũng Hòa với 33 học viên tham gia. Lớp học kéo dài trong 3 tháng (trong đó, thời lượng các buổi học thực tế chiếm 2/3 quá trình đào tạo), cung cấp cho học viên kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn đúng kỹ thuật, chọn giống, thức ăn, thuốc; xác định nguyên nhân và phương pháp phòng trị các bệnh thường gặp ở lợn… Kết thúc khóa đào tạo, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Trung, xã Lũng Hòa cho biết: "Gia đình tôi đang nuôi 17 con lợn theo phương thức truyền thống, tự học hỏi cách chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Với mong muốn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, tôi đã đăng ký tham gia lớp học sơ cấp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho lợn do huyện tổ chức để có thêm kiến thức, kỹ năng thực tế áp dụng trong chăn nuôi đàn lợn của gia đình".
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường Nguyễn Minh Tuyến cho biết: "Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với GQVL cho LĐNT, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT; rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của NLĐ để hỗ trợ đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ.
Từ năm 2020-2022, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở 9 lớp đào tạo nghề cho 227 LĐNT trên địa bàn huyện, trong đó, 100% học viên đều đã có việc làm ổn định. Các lớp học chủ yếu đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; trồng rau an toàn; lắp đặt điện nội thất; hàn điện.
Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 2 lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho lợn tại xã Lũng Hòa; trồng rau an toàn tại xã Thượng Trưng cho gần 70 LĐNT. Việc mở các lớp đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân địa phương, giúp NLĐ nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định công tác đào tạo nghề gắn với GQVL cho LĐNT là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện Lập Thạch chủ động phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện và chính quyền các địa phương thực hiện điều tra, rà soát, lập danh sách các đối tượng ưu tiên học nghề, từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của học viên và đặc thù của từng địa phương.
Từ năm 2020-2022, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lập Thạch đã tổ chức 8 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp cho 204 học viên. Hầu hết các học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc vận dụng các kiến thức, phương pháp, kỹ thuật đã học vào thực tế sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập.
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai, thực hiện một cách đồng bộ từ khâu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ, năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cơ cấu nghề đào tạo cơ bản đủ các nhóm nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, các nghề thuộc nhóm du lịch, dịch vụ đang được đầu tư phát triển.
Các cơ sở đào tạo nghề sử dụng và chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình dạy nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thị trường lao động, đáp ứng được sự thay đổi của khoa học kỹ thuật, công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất.
Theo thống kê, sau đào tạo, 100% học viên có việc làm, tự tạo việc làm; hơn 80% LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tiêu bao sản phẩm; số còn lại tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định.
Thông qua các lớp đào tạo nghề góp phần giúp người dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn mới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; rà soát các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với lao động chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.
Ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT; tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, tuyển sinh và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho LĐNT…
Bài, ảnh: Phương Anh