Đầu Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh thu hút hàng nghìn lượt người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh. Những điểm đến mang đậm bản sắc dân tộc này không chỉ đưa du khách trở về với nguồn cội, mà còn đem lại một cảm giác an nhiên, thư thái. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra một năm mới nhiều triển vọng đối với phát triển du lịch của tỉnh.
Khu di tích và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa và hơn 400 lễ hội truyền thống. Trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều địa điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh như Đền Bắc Cung (Yên Lạc), Khu di tích và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo), chùa Bầu (Vĩnh Yên)… thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương trong tỉnh cũng lồng ghép tổ chức nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, tạo nét độc đáo, thu hút du khách. Qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn mà còn phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
Khu di tích và danh thắng Tây Thiên những ngày đầu Xuân thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, cầu an gia đạo. Người dân đi du Xuân trong tâm thế hoan hỉ.
Chị Trần Thanh Tâm, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Vĩnh Phúc có khá nhiều điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, trong đó Khu danh thắng Tây Thiên là nơi tôi cùng gia đình tới nhiều lần. Bởi theo tôi, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bộn bề, nhưng Tết đến, dường như tất cả mọi người đều tạm quên những phiền lo của năm cũ để cùng nhau du Xuân, đón chào một năm mới rực rỡ, nhiều may mắn”.
Với phương châm đem lại cho du khách những chuyến đi an toàn và hấp dẫn, trước Tết, Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng đã chủ động rà soát, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cáp treo với công suất phục vụ 2.500 người/giờ gắn với kiểm tra lại nguồn điện hiện có và dự phòng, đảm bảo việc phục vụ du khách không bị gián đoạn; thay thế phụ tùng cần thiết đối với hệ thống 40 xe điện và bố trí 130 cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc ở các vị trí.
Mong muốn kiến tạo những không gian văn hóa nhiều màu sắc bên cạnh hệ thống di tích, công ty đã bố trí thêm nhiều điểm check - in tại các khu vực đông người như nhà ga, xe điện, tiểu cảnh tại khu vực đền Thượng, nhà hàng; trang trí hàng trăm m2 hoa tươi đặc trưng của Tây Thiên. 100% nhân viên phục vụ tại khu vực nhà ga, cáp treo đều mặc trang phục của dân tộc Sán Dìu, góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng.
Mỗi khi Tết đến Xuân về, nhiều du khách lại tìm về những điểm du lịch tâm linh để cầu bình an, tài lộc và sức khỏe cho gia đình. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Quản lý Khu di tích và danh thắng Tây Thiên chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, bảo đảm dịch vụ ăn uống, lưu trú chất lượng; giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân ý thức giữ gìn vệ sinh chung; giữ yên tĩnh nơi tôn nghiêm…
Bà Đặng Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng cho biết: 6 ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, đã có 50 nghìn lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh tại Khu di tích và danh thắng Tây Thiên. Qua đó, không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa và tâm linh của di tích lịch sử mà còn khẳng định chất lượng dịch vụ.
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên, sự linh thiêng, từ nhiều năm nay, Đền Thượng - nơi phụng thờ Tứ vị Sơn thần, ở thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, vãn cảnh, nhất là đầu Xuân.
Bốn năm liên tiếp cùng gia đình đi lễ đầu Xuân tại đây, chị Dương Thị Thanh Hằng, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) chia sẻ: "Với tôi, đi lễ đầu Xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, thưởng lãm cảnh đẹp tại chốn linh thiêng mà còn là dịp để hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích và mong muốn xây dựng một mùa lễ hội văn minh, thu hút du khách, chính quyền địa phương đã thành lập Ban quản lý di tích. Đồng thời, chú trọng chỉnh trang môi trường, tạo dựng và duy trì cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban quản lý di tích nhắc nhở du khách đến dâng hương, hóa vàng mã… tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống cháy nổ; phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Song hành với việc phát triển du lịch tâm linh, các hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động. Chỉ trong 6 ngày đầu Xuân, nơi đây đã có hơn 7 nghìn lượt du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.
Có thể nói, Vĩnh Phúc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, còn lưu giữ được nhiều di tích, lễ hội truyền thống đã và đang phát huy giá trị, trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Trong khi đó, những hoạt động du Xuân, đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngọc Lan