Vĩnh Phúc đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước với những chiến lược phát triển bài bản và bền vững. Để thúc đẩy ngành du lịch trở thành một trụ cột kinh tế quan trọng, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ cải tạo, nâng cấp hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng đến đẩy mạnh quảng bá và thu hút đầu tư.

Thị trấn Tam Đảo được tổ chức World Travel Awards vinh danh Thị trấn điểm đến du lịch hàng đầu thế giới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thế Hùng
Một trong những yếu tố quan trọng để Vĩnh Phúc thu hút du khách là hệ thống hạ tầng du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 6 khu du lịch trọng điểm và triển khai 40 dự án lớn về ngành du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 21.162 tỷ đồng. Các dự án như Flamingo Đại Lải, Tam Đảo II, Thanh Xuân Valley… không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư 2.577 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, giúp cải thiện giao thông, nâng cấp các khu nghỉ dưỡng và xây dựng các công trình phục vụ du lịch.
Ngoài ra, tỉnh không chỉ tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng mà còn phát triển nhiều loại hình du lịch khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Tỉnh đang định hình phát triển du lịch theo ba loại hình chính gồm du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái tận dụng lợi thế thiên nhiên với các khu du lịch sinh thái như Tam Đảo, Hồ Đại Lải, Vườn Quốc gia Tam Đảo; du lịch văn hóa, lịch sử, làng nghề khai thác giá trị của hơn 1.400 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 533 di tích đã xếp hạng, cùng với các làng nghề truyền thống như làng gốm Hương Canh; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, trung tâm hội nghị để thu hút khách du lịch kết hợp công tác.
Những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Phúc như Tam Đảo, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Nhà thờ đá, Thác Bạc, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn; Flamingo Đại Lải, khu nghỉ dưỡng cao cấp với không gian xanh mát, các biệt thự ven hồ sang trọng và nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn; Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam, nơi du khách có thể tìm về sự bình yên và chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp; Hồ Thanh Lanh, điểm đến mới nổi với mặt hồ trong xanh, không gian yên bình, thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng và dã ngoại; Tháp Bình Sơn, công trình kiến trúc cổ kính mang đậm dấu ấn lịch sử, là một trong những di tích quan trọng của Vĩnh Phúc.
Nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách, tỉnh đã triển khai phần mềm du lịch thông minh trên cả hai nền tảng Android và iOS giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin về các điểm đến, dịch vụ lưu trú và các hoạt động giải trí. Ngoài ra, tỉnh đã ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch, giúp du khách có cái nhìn trực quan hơn về các điểm tham quan. Hệ thống dữ liệu số hóa của hơn 60 điểm du lịch đã được liên kết, giúp du khách có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi. Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao nhằm thu hút du khách. Các lễ hội như Festival Khinh khí cầu Vĩnh Phúc, lễ hội Tuyết Tam Đảo đã trở thành điểm nhấn, giúp quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào du lịch. Hiện có 40 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký hơn 21,1 nghìn tỷ đồng.

Nằm giữa không gian thiên nhiên tuyệt đẹp, Thanh Lanh Golf Club, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) là một trong những sân golf được yêu thích nhất tại miền Bắc. Ảnh Thế Hùng
Không chỉ tập trung phát triển du lịch, UBND tỉnh đã ban hành 21 cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Một trong những chính sách quan trọng là hỗ trợ đầu tư phát triển khu, điểm du lịch. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Hồ Đại Lải, Tây Thiên. Đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như gốm Hương Canh, mây tre đan Triệu Đề, mật ong Tam Đảo đều được tạo điều kiện để phát triển, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc. Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch được khuyến khích tái đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn. Đồng thời, tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, giúp đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tương lai. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch. Các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến du lịch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú hợp tác với nhau, xây dựng các tour du lịch nội tỉnh và liên kết với các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, từ cung cấp dịch vụ lưu trú đến tổ chức các tour trải nghiệm văn hóa địa phương. Qua đó, không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút nhiều du khách hơn, đưa Vĩnh Phúc trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.
Với chiến lược phát triển toàn diện, du lịch Vĩnh Phúc đang không ngừng vươn lên, sẵn sàng chào đón du khách bằng những hành trình và trải nghiệm đáng nhớ.
Thành An