Những năm gần đây, Vĩnh Phúc là điểm đến hấp dẫn khách du lịch bởi vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng bản sắc văn hóa phong phú, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Flamingo Đại Lải Resort (Phúc Yên) luôn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục cho phát triển du lịch luôn được tỉnh ưu tiên hàng đầu. Các tuyến quốc lộ như QL2, QL2B, QL2C cùng nhiều tuyến đường liên huyện được nâng cấp giúp kết nối hiệu quả giữa các điểm du lịch trọng điểm như Tam Đảo, hồ Đại Lải, khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên và trung tâm các đô thị.
Hạ tầng giao thông nội tỉnh phát triển đồng bộ không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến mà còn tạo điều kiện cho các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, giải trí phát triển.
Mới đây, tỉnh đã dành hơn 2.500 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư hạ tầng tại các khu du lịch như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên. Một số dự án giao thông then chốt đang được triển khai như tuyến đường Tây Thiên - Tam Sơn dài hơn 14km với tổng vốn 375 tỷ đồng, giúp kết nối các điểm du lịch lớn và hoàn thiện dự án đường Vành đai 5 đô thị Vĩnh Phúc
Bên cạnh kết cấu giao thông, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch chất lượng cao như Flamingo Đại Lải, Tam Đảo 2, Belvedere Resort… Các dự án này không chỉ mang đến trải nghiệm cao cấp cho du khách mà còn góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái của Vĩnh Phúc.
Chính quyền các cấp luôn khuyến khích phát triển mô hình du lịch xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải và gắn liền với gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. Không chỉ đầu tư vật chất, tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch.
Cổng thông tin du lịch, bản đồ số các điểm tham quan, nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến và các tour trải nghiệm thực tế ảo giúp nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút một lượng lớn du khách trẻ.
Một số doanh nghiệp địa phương cũng tiên phong trong việc sử dụng AI, chatbot, thanh toán không tiền mặt và hệ thống phản hồi điện tử nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh.
Du lịch văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng cũng đang được tỉnh khai thác hiệu quả. Các lễ hội truyền thống như hội Tây Thiên, hội Đình Bảo Sơn, các làn điệu dân ca Chầu Văn, hát Soọng Cô... được phục dựng, kết nối vào tour du lịch.
Nhiều làng nghề thủ công như gốm Hương Canh, mây tre đan Triệu Đề cũng được đưa vào sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống và tạo sinh kế mới cho người dân.
Ở vùng dân tộc thiểu số, mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh tại các xã như Ngọc Thanh (Phúc Yên), Yên Dương (Tam Đảo). Người dân được đào tạo kỹ năng đón khách, chế biến món ăn truyền thống, hướng dẫn viên bản địa... giúp tăng thu nhập và khẳng định vai trò trung tâm của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã đón khoảng 4,8 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế tuy chưa chiếm tỷ trọng lớn nhưng có xu hướng tăng ổn định. Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.950 tỷ đồng, duy trì đà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Các điểm đến như Tam Đảo, hồ Đại Lải, Tây Thiên tiếp tục dẫn đầu về lượng khách nhờ khí hậu trong lành, dịch vụ hoàn thiện và sản phẩm du lịch đa dạng. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, công suất phòng tại nhiều khách sạn, homestay và resort trên địa bàn tỉnh đều đạt mức cao, có nơi gần như kín chỗ.
Nhiều sản phẩm mới kết hợp trải nghiệm thiên nhiên, thể thao ngoài trời, thiền - yoga hay học nấu ăn bản địa đã được tung ra và nhận được phản hồi tích cực. Điều này thể hiện rõ hiệu quả của chiến lược đầu tư hạ tầng và chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra trong thời gian qua.
Song song với đó, tỉnh tích cực triển khai liên kết du lịch liên vùng với các địa phương lân cận như Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ... hướng đến xây dựng các tuyến tour hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu và mở rộng thị trường khách quốc tế.
Hoạt động quảng bá cũng được chú trọng thông qua truyền thông số, kết hợp với các KOLs và các nền tảng mạng xã hội nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc trong lòng du khách.
Nguồn nhân lực trong ngành du lịch đang dần được nâng cao chất lượng thông qua các chương trình đào tạo nghề bài bản, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Các lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý khách sạn - nhà hàng, kỹ thuật pha chế - chế biến được triển khai tại các trường cao đẳng, trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng khuyến khích việc học ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ và văn hóa ứng xử nhằm chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động phục vụ ngành du lịch.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển du lịch, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án du lịch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn.
Tỉnh ưu tiên mời gọi doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực mới như du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, du lịch kết hợp hội thảo (MICE)... phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước truyền thông để quảng bá du lịch Vĩnh Phúc đến thị trường quốc tế, đặc biệt thông qua các sự kiện xúc tiến tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Mục tiêu không chỉ dừng lại ở tăng số lượng du khách mà còn hướng đến nâng cao chất lượng trải nghiệm, xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc bền vững và có sức lan tỏa lâu dài.
Thành An