Xây dựng môi trường làm việc an toàn; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chuyên sâu cho người lao động (NLĐ); tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)… là những giải pháp được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai giúp NLĐ “Khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần”, yên tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công đoàn Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên luôn chú trọng xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Ảnh: Kim Ly
Công ty TNHH Công nghiệp Sun Hua, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy.
Mặc dù luôn chú trọng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ, song do tính chất công việc, NLĐ của công ty vẫn có nguy cơ mắc một số bệnh về hô hấp, thính giác, cột sống… Vì vậy, bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, công ty đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN), khám chuyên sâu tai - mũi - họng, kiểm tra thị lực, thính lực, hỗ trợ xét nghiệm PAP sàng lọc ung thư cổ tử cung… cho lao động nữ làm việc trực tiếp tại các phân xưởng sản xuất.
NLĐ mắc các bệnh thông thường được cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn, hướng dẫn phương pháp điều trị, chăm sóc; trường hợp mắc BNN sẽ được công ty hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bố trí, sắp xếp làm việc ở những vị trí phù hợp hơn.
Chị Trần Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Sun Hua cho biết: "Không chỉ chú trọng cải thiện môi trường làm việc, công ty còn thường xuyên tổ chức khám sức khỏe tổng quát, khám phát hiện BNN cho toàn bộ công nhân, giúp chúng tôi phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn bệnh lý trong cơ thể, chủ động kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó có phương hướng điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng, đồng thời xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh".
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho NLĐ tại Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên (Vĩnh Yên) cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên Nguyễn Công Khanh chia sẻ: "Với phương châm “NLĐ là vốn quý của doanh nghiệp”, những năm qua, Công đoàn công ty đã đề xuất lãnh đạo công ty triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường làm việc an toàn cho NLĐ như đầu tư, đổi mới trang thiết bị, máy móc; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho NLĐ; thường xuyên tổ chức tập huấn về ATVSLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của NLĐ trong thực hiện nội quy, quy định của pháp luật về ATVSLĐ; lập hồ sơ quản lý, sổ theo dõi sức khỏe NLĐ…
Đối với NLĐ làm việc ở một số bộ phận có yếu tố độc hại như dán keo đế, in sơn… đều được khám chuyên sâu phát hiện BNN và được hưởng các chế độ bồi dưỡng theo quy định. Bên cạnh đó, công ty bố trí tủ thuốc, các phương tiện kỹ thuật, y tế phục vụ ứng cứu, sơ cấp cứu khi xảy ra sự cố tai nạn lao động".
Chủ động bảo vệ sức khỏe của NLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ và phòng, chống BNN, đặc biệt chú ý đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, BNN như xây dựng, điện, dệt may, da giày…
Nhân viên y tế Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên kiểm tra sức khỏe cho người lao động. Ảnh: Kim Ly
Các cơ sở lao động thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp máy móc, trang thiết bị đảm bảo ATVSLĐ, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại gây mất ATVSLĐ và BNN; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe tuyển dụng, định kỳ và khám BNN đối với NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại, có nguy cơ gây BNN; bố trí công việc hợp lý, đặc biệt tại các vị trí công việc có nguy cơ mắc BNN cao…
Hiện nay, các cơ sở lao động có yếu tố độc hại, có nguy cơ mắc BNN bước đầu được quản lý, theo dõi, giám sát và hỗ trợ. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát, hướng dẫn các đơn vị y tế và hàng trăm cơ sở lao động có yếu tố độc hại thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng, chống BNN.
Tỷ lệ lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NLĐ không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các tuyến y tế cơ sở đạt 100%. NLĐ mắc BNN đều được giám định, điều trị và phục hồi chức năng theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, một số chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, phòng chống BNN cho NLĐ còn thấp so với kế hoạch đề ra, nhất là tỷ lệ cơ sở lao động có yếu tố độc hại được quản lý (chưa thống kê đầy đủ), tỷ lệ cơ sở lao động có yếu tố độc hại được kiểm tra quan trắc môi trường lao động, tỷ lệ NLĐ được tiếp cận thông tin…
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống BNN, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục hướng dẫn và tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế các cấp nâng cao năng lực quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng chống BNN; hỗ trợ, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng chống BNN; tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành các quy định về chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng chống BNN…
Phương Anh