Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (NLĐ), tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm (GQVL), thúc đẩy đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, có nhiều hình thức kết nối cung - cầu lao động… phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu GQVL theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm An toàn Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Ảnh: Kim Ly
Năm 2024, toàn tỉnh GQVL cho hơn 23 nghìn lao động, vượt 35,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, GQVL trong nước cho gần 21.700 lao động, đưa hơn 1.380 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu GQVL năm 2024 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, GQVL của Đảng và Nhà nước, các quy định, chính sách mới về lĩnh vực lao động, việc làm. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo tư vấn giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động cho hàng chục nghìn người dân và học sinh, sinh viên các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX.
Đồng chí Đặng Phú Xuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã nâng cấp và đổi mới giao diện website vieclamvinhphuc.gov.vn; thường xuyên đăng tải, cập nhật các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, GQVL của Đảng và Nhà nước, thông tin về thị trường lao động, các chương trình du học, xuất khẩu lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp…
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Phúc Yên) tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp và tuyển dụng, thu hút hơn 400 học sinh, sinh viên và người lao động đăng ký tham gia. Ảnh: Kim Ly
Bên cạnh đó, trung tâm đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 22 phiên cố định, 7 phiên lưu động và 1 phiên online với 139 lượt doanh nghiệp và hơn 2.200 NLĐ đăng ký tham gia. Qua đó tăng cường kết nối giữa các nhà tuyển dụng và NLĐ, góp phần mở rộng cơ hội việc làm đối với NLĐ và đáp ứng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ GQVL tiếp tục được triển khai, thực hiện kịp thời. Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 210 lao động được hỗ trợ vay hơn 12,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm; hơn 4.200 lao động được vay hơn 297 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ hơn 13,2 tỷ đồng cho hơn 1.060 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ký biên bản hợp tác về tuyển chọn, cung ứng lao động với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên… để khai thác nguồn cung lao động ngoại tỉnh.
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đổi mới toàn diện, bám sát nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với GQVL, đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương… Từ đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 81%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt hơn 80%.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu GQVL cho 17.000 lao động, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 16.000 lao động, đưa 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Để hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ các chính sách hỗ trợ GQVL của Trung ương và của tỉnh, thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, các chương trình du học, xuất khẩu lao động.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, tăng cường liên kết giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm để mở rộng phạm vi khai thác thông tin thị trường lao động, rút ngắn thời gian cung ứng lao động.
Đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo, tuyển chọn lao động giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cho vay và sử dụng vốn vay GQVL…
Phương Anh