Việc tạo dựng một lối sống lành mạnh luôn là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi con người. Sống lành mạnh sẽ giúp cơ thể duy trì được sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, từ đó góp phần nâng hiệu suất học tập, công việc cũng như chất lượng cuộc sống.
Theo các chuyên gia y tế, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn tại Việt Nam. Nếu như trước đây, các bệnh đột quỵ, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận… thường xuất hiện ở người cao tuổi, thì ngày nay, những căn bệnh này đang phổ biến ở người trẻ tuổi.

Duy trì luyện tập thể dục, thể thao giúp nâng cao sức khỏe. Ảnh: Kim Ly
Thạc sĩ, bác sĩ Trừ Văn Trưởng, Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận không ít ca bệnh đột quỵ ở người trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, trong đó chủ yếu là do lối sống không khoa học, không lành mạnh, ít vận động, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng. Nhiều người trẻ tuổi thường có thói quen ăn đồ ăn nhanh, ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, trà sữa hoặc sử dụng các chất kích thích… dễ dẫn đến nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gia tăng tỷ lệ tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, dẫn đến đột quỵ.
Tình trạng trẻ hóa của hàng loạt bệnh lý nguy hiểm đã gióng lên hồi chuông báo động đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải hình thành thói quen, lối sinh hoạt lành mạnh, khoa học, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân.
Theo các chuyên gia y tế, để xây dựng lối sống lành mạnh, trước hết cần có một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, nên bổ sung nhiều rau, củ, quả trong khẩu phần ăn hằng ngày; uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày. Hạn chế sử dụng các loại thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, nhiều đường và các chất kích thích có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia…Bên cạnh việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh, cần luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, lựa chọn những bộ môn phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe để tăng cường trao đổi chất, ngăn ngừa bệnh tật, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học kết hợp bổ sung nhiều loại vitamin giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh: Kim Ly
Anh Chu Phương Nam, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: "Trung bình mỗi ngày, tôi đều dành từ 1 - 2 tiếng đồng hồ để chơi cầu lông. Việc duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày không chỉ giúp tôi nâng cao sức khỏe mà còn mang lại những phút giây thư giãn, góp phần giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc vất vả".
Để hình thành lối sống lành mạnh, khoa học thì sức khỏe tinh thần cũng cần được quan tâm. Hãy luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đi ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng/ngày…
Bên cạnh đó, cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh để có phương án phòng ngừa, điều trị hiệu quả.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ Y tế, mỗi người nên khám sức khỏe tổng quát 6 tháng một lần là tốt nhất, bởi đây là khoảng thời gian tối ưu để phát hiện những bất thường của cơ thể, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thực tế đã chứng minh, những thói quen không lành mạnh như thức khuya, bỏ bữa, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, sử dụng đồ uống có cồn… tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người.
Do đó, việc hình thành cho bản thân một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp hài hòa giữa thời gian làm việc, nghỉ ngơi và vận động, luyện tập thể dục, thể thao hợp lý sẽ giúp cho cơ thể duy trì được sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của mỗi người.
Phương Anh