Bên cạnh thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, Vĩnh Phúc còn sở hữu một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng. Do đó, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng các giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa truyền thống nhằm mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích, trong đó có hơn 500 di tích đã được xếp hạng với 4 di tích - cụm di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích quốc gia và hơn 400 di tích cấp tỉnh.
Nhiều di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học tiêu biểu như Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo); di tích khảo cổ học Đồng Đậu, đền Thính (Yên Lạc); tháp Bình Sơn (Sông Lô); đình Thổ Tang, đền Phú Đa (Vĩnh Tường); đền thờ Trần Nguyên Hãn (Lập Thạch)… Cùng với cảnh quan thiên nhiên, đây chính là nguồn tài nguyên du lịch không thể thiếu, đã và đang góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho du lịch Vĩnh Phúc.
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước, đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo quản, khai thác và tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng luôn được tỉnh, các cấp, ngành quan tâm.
Tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Đồng thời, lập hồ sơ khoa học, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; triển khai các kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích chiến khu Ngọc Thanh; tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng…
6 tháng đầu năm, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã thực hiện công tác đầu tư tu bổ 20 di tích theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng; thực hiện công tác tu bổ chống xuống cấp theo Kế hoạch số 175 của UBND tỉnh về việc thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đối với 15 di tích.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký quyết định phê duyệt 2 quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đối với đình Thổ Tang, tháp Bình Sơn nhằm phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam. Đồng thời, hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đền Thính, huyện Yên Lạc có vai trò quan trọng trong việc kết nối với các điểm đến ở các địa phương lân cận, tạo thành tuyến du lịch Vĩnh Yên - Yên Lạc, thu hút du khách gần xa. Ảnh: Nguyễn Lượng
Cùng với việc được đầu tư, khai thác và tu bổ, nhiều di tích lớn đã trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình các tour du lịch của tỉnh, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa, tâm linh có tiếng của cả nước. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón gần 5,9 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 13% so với với cùng kỳ với tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.300 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, đầu tư, phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử-văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa đã được quan tâm, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; còn tình trạng di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, cá biệt có một số di tích đã sập đổ vẫn chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo.
Đặc biệt, một số di tích có kiến trúc cổ đang cần tu bổ, tôn tạo gấp nếu không sẽ có nguy cơ đổ sập, mất an toàn cho người dân và các hiện vật trong di tích. Trong khi đó, nhiều địa phương cấp huyện và cấp xã không bố trí được ngân sách để hỗ trợ và việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích còn thấp, gặp nhiều khó khăn...
Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới đã xác định “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung triển khai.
Theo đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về Luật Du lịch, Luật Di sản, các văn bản của Trung ương và nghị quyết của HĐND.
Thực hiện các giải pháp khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng theo Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát các chính sách về phát triển du lịch và quản lý di tích đã ban hành, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những chính sách mới cho phù hợp.
Nguyễn Hường