Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, những năm qua, phong trào trồng cây được nhân dân các dân tộc trong tỉnh duy trì và cụ thể hóa thành các phong trào thi đua, góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh gắn với tăng trưởng xanh, bền vững.
Lực lượng kiểm lâm tham gia trồng cây xanh tại Trung tâm Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo).
Những ngày tháng 5 này, nhân dân cả nước đang hướng về Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024). Trên khắp các con đường của tỉnh rợp bóng cây xanh và các loài hoa rực rỡ sắc màu được chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận làm cho những con đường trở nên sáng - xanh - đẹp hơn, xoa dịu đi cái nắng nóng oi bức của những ngày hè. Tại các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp được trồng nhiều cây xanh tạo không gian làm việc trong lành.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, trồng cây nào sống cây ấy…”, những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng của tỉnh không chỉ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về mà trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh và lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường sống, xanh hóa khu đô thị và các vùng nông thôn.
Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng cây phân tán, giao nhiệm vụ cụ thể về chỉ tiêu số lượng cây trồng và phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành.
Đẩy mạnh tuyên truyền, xã hội hóa trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung; phát động các phong trào thi đua như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”, “Đường hoa, vườn hoa công cộng”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Đường hoa phụ nữ” tại địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh trồng được 3 triệu cây phân tán, vượt kế hoạch đề ra; hoàn thành hơn 1.500 tuyến đường kiểu mẫu sáng, xanh, sạch, đẹp với chiều dài gần 340 km; huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí trồng cây tại các trường học, các xã tiêu biểu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; trồng mới các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ có giá trị kinh tế.
Điển hình như Công ty Điện lực Vĩnh Phúc trồng hơn 1 nghìn cây tại các trường học của huyện Lập Thạch, Sông Lô, trị giá hơn 500 triệu đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Đô dành 500 triệu đồng mua trên 1 nghìn cây và trồng tại các trường học thuộc huyện Vĩnh Tường; Công ty TNHH Quảng cáo và Truyền thông Tấm và Cám tổ chức trồng 1.000 cây ngọc lan vàng tại Khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) với tổng giá trị 700 triệu đồng.
Công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Những năm qua, lực lượng kiểm lâm đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); ứng dụng công nghệ số vào quản lý, bảo vệ rừng; rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, cơ cấu các loại rừng hợp lý đảm bảo hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển; thường xuyên tuần tra, kiểm soát lửa rừng trong những ngày cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, kịp thời xử lý sự cố cháy rừng.
Giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh đầu tư 28 tỷ đồng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng gần 3,7 tỷ đồng cho Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc giao rừng, giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Hằng năm, toàn tỉnh triển khai trồng được từ 750-800 ha rừng tập trung; khoán bảo vệ trên 3.000 ha rừng; trồng khảo nghiệm 22 mô hình cây gỗ lớn.
Với việc triển khai tốt trồng cây, trồng rừng nên nhiều diện tích rừng tự nhiên phục hồi tái sinh tăng, diện tích rừng nghèo có khả năng tái sinh đã trở lại màu xanh, độ che phủ của rừng từ 12,1% (năm 1985) tăng lên 23,4% (năm 2012) và đạt 25% năm 2023. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gần khu vực rừng.
Tiếp tục quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp với mục tiêu “Tăng số cây trồng phân tán, diện tích rừng trồng; tăng chất lượng rừng và tăng phạm vi địa bàn”, tỉnh đang huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân và các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng tỷ lệ trồng cây xanh tại các khu đô thị, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, vùng nông thôn; hướng dẫn các chủ rừng đầu tư trồng rừng thâm canh, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp với trồng rừng, đảm bảo khả năng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, giảm thiểu khí phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu duy trì và giữ vững độ che phủ của rừng ở ngưỡng 25%.
Bài, ảnh: Mai Liên