Khám sức khỏe định kỳ được các chuyên gia y tế khuyến cáo là một việc làm khoa học, giúp kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh để điều trị kịp thời, từ đó, bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc làm này.
Người dân khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Trà Hương
Cách đây 2 năm, khi thấy mắt mờ dần, nhìn không rõ, ông B.P.Q, 48 tuổi ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường nghĩ là do có tuổi, thị lực giảm sút, nên không đi khám mà chỉ mua kính lão để đeo. Sau một thời gian, thấy đeo kính mà vẫn chưa nhìn rõ, thậm chí mắt bên trái ngày càng mờ dần, gần như không còn nhìn được, ông Q mới đi khám và được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh võng mạc đái tháo đường.
Sau khi được các bác sĩ giải thích về cơ chế bệnh, ông Q mới biết những thay đổi về sức khỏe tưởng như bình thường, không có gì nghiêm trọng mà trước đây ông gặp phải như uống nước nhiều hơn vì thường xuyên cảm thấy khát nước, ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân, mệt mỏi thường xuyên… là những biểu hiện đầu tiên của bệnh đái tháo đường.
Do không quan tâm tới những dấu hiệu bất thường của cơ thể, nên ông Q không được điều trị sớm, dẫn tới các mạch máu bị tổn thương, từ đó, gây ảnh hưởng đến thị lực. Sau khi điều trị, sức khỏe cơ bản đã ổn định, tuy nhiên, theo các bác sĩ, thị lực của ông Q khó có thể phục hồi hoàn toàn và thời gian, chi phí chữa trị cũng tốn kém hơn rất nhiều so với việc điều trị đái tháo đường ngay khi phát hiện những dấu hiệu ban đầu.
Thực tế, nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, nên vẫn thờ ơ với sức khỏe của chính mình. Có những người, nhất là người trẻ, thấy cơ thể không có biểu hiện khác thường hoặc có nhưng xảy ra rồi biến mất ngay nên chủ quan, không nghĩ tới việc đi khám. Ngoài tâm lý chủ quan, một số người cũng có tâm lý ngại khám sức khỏe định kỳ do suy nghĩ khám sức khỏe định kỳ là lãng phí thời gian, tiền bạc.
Bác sĩ Bùi Thị Thu Trang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Ở nhiều người, dấu hiệu của một số bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch, loãng xương, rối loạn mỡ máu, suy thận… đôi khi không có quá nhiều dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu, tình trạng bệnh lý diễn tiến âm thầm mà không gây ra bất kỳ dấu hiệu gì, đến khi các triệu chứng kéo dài thì bệnh đã tiến triển và gây ra biến chứng.
Việc phát hiện bệnh khi đã muộn gây ra nhiều khó khăn cho cả bác sĩ và người bệnh trong quá trình điều trị như mất nhiều thời gian điều trị hơn, chi phí tốn kém và ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, việc chủ động khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm góp phần giảm chi phí, thời gian điều trị đối với các bệnh nặng, cần điều trị tốn kém như nằm viện, phẫu thuật, chạy thận, cấy ghép nội tạng...
Bên cạnh đó, việc phát hiện và điều trị sớm cũng góp phần làm giảm thời gian trị liệu, điều trị so với khi bệnh đã chuyển nặng. Để biết được tình trạng sức khỏe của mình, người dân nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ từ 1-2 lần/năm".
Trong thực tế, có nhiều người đã tiết kiệm được thời gian, chi phí và bảo vệ được sức khỏe của chính bản thân nhờ việc chú trọng khám sức khỏe định kỳ. Trong một lần đi khám sức khỏe, chị Nguyễn Thị Oanh ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên đã được các bác sĩ tư vấn nên đi khám chuyên khoa ung thư vì phát hiện ở tuyến giáp có một khối u nhỏ.
Sau khi đi khám tại Bệnh viện K, chị Oanh được xác định là ung thư tuyến giáp. Mới đầu, khi biết mình bị ung thư, chị Oanh rất lo lắng. Tuy nhiên, chị Oanh được các bác sĩ giải thích rằng tuy ung thư là bệnh nguy hiểm, nhưng trong các loại ung thư, ung thư tuyến giáp là bệnh có tiên lượng tốt nhất, có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa trị đúng, chị Oanh đã yên tâm điều trị. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u và thực hiện liệu trình điều trị, sức khỏe của chị Oanh đã phục hồi gần như bình thường.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thời gian qua, ngành Y tế luôn quan tâm đến vấn đề dự phòng bệnh tật từ sớm cho nhân dân. Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm, phát triển toàn diện, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về các nguồn lực, các chỉ tiêu. Ngày càng nhiều cơ sở y tế tại địa phương được trang bị đủ nhân lực, trang, thiết bị đảm bảo đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, việc mỗi người dân nâng cao hiểu biết, ý thức, chủ động khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Khi chủ động khám sức khỏe định kỳ, sẽ kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bản thân, được tư vấn điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng một cách khoa học để duy trì, cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh; phát hiện, điều trị bệnh sớm. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe toàn dân.
Thùy Linh