Mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút sinh sôi, làm gia tăng nguy cơ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) chuẩn bị thuốc, vật tư y tế để sơ, cấp cứu, điều trị các bệnh thường gặp trong mùa mưa bão. Ảnh: Kim Ly
Xã Sơn Đông (Lập Thạch) đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3, bị ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các thôn. Các công trình trường học, trạm y tế đều ngập trong nước.
Tại Trạm Y tế xã, do nước đã ngập hết tầng 1 nên việc khám, chữa bệnh và triển khai công tác ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Khổng Duy Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Đông cho biết: “Khi nước lũ chưa cao, cán bộ trạm đã nhanh chóng di dời toàn bộ trang thiết bị máy móc, thuốc men, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế và các đồ dùng cần thiết lên tầng 2 của dãy nhà. Trong những ngày đầu bị ngập, mực nước còn thấp, cán bộ trạm vẫn tổ chức khám bệnh, sơ cứu các trường hợp người dân bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc bị chấn thương nhẹ tại tầng 2.
Tuy nhiên, những ngày qua, nước lũ dâng cao, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch không bị gián đoạn, bảo vệ máy móc, trang thiết bị, trạm đã báo cáo chính quyền xã xây dựng phương án di dời toàn bộ máy móc, trang thiết bị, thuốc men và lập địa điểm hoạt động tạm tại nhà văn hóa thôn Đẽn. Đây là khu vực cao, chưa xảy ra ngập úng.
Để phòng, chống dịch bệnh, Trạm Y tế xã Sơn Đông vừa được Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch cấp bổ sung một số loại thuốc cần thiết như điều trị tiêu chảy, hạ sốt, điều trị bệnh đau mắt đỏ… Ngay sau khi nước rút, Trạm Y tế xã sẽ huy động lực lượng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, người dân địa phương tiến hành vệ sinh, khử khuẩn môi trường nhằm ngăn ngừa dịch bệnh”.
Tại xã Trung Kiên (Yên Lạc), tình trạng ngập nước cục bộ cũng đã xảy ra tại 3 thôn gồm Trung Giang, Xóm Chùa, Gảnh Đá. Mặc dù nước mới ngập ở các tuyến đường giao thông và các chuồng trại chăn nuôi, nhưng Trạm Y tế xã Trung Kiên đã chuẩn bị đầy đủ máy phun, quần áo bảo hộ, hóa chất khử khuẩn để vệ sinh môi trường ngay sau lũ.
Bác sĩ Bùi Thị Biên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Kiên cho biết: “Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, ngộ độc thực phẩm… có thể xảy ra trong mùa mưa bão, đặc biệt là tại các điểm ngập sâu.
Trong những ngày gần đây, cán bộ trạm đã tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trạm Y tế xã đã phân công nhân viên y tế thôn theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các thôn xóm và báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Tại các khu vực chuồng trại chăn nuôi bị ngập nước, nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người rất cao, vì vậy, cán bộ trạm y tế tuyên truyền người dân tuyệt đối không vứt xác động vật chết ra môi trường, chủ động khử khuẩn chuồng trại ngay khi nước rút; đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không ăn thịt động vật chết và các loại rau, củ, quả không đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, ngăn chặn dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Trạm Y tế xã Trung Kiên đã thành lập 1 tổ điều trị, 1 tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng đến các thôn, xóm sơ, cấp cứu khi có sự cố; dự trù sẵn sàng 100kg Cloramin B để khử khuẩn môi trường ngay khi nước rút. Đồng thời luôn thường trực lực lượng, sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn ngay khi có yêu cầu”.
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận tình trạng xảy ra dịch bệnh tại các địa phương bị ngập lụt. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch bệnh trong mùa mưa bão, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm; chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là tại khu vực bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra.
Các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch; tăng cường nhân lực làm công tác giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa bão; bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; xây dựng phương án ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Sở Y tế khuyến cáo người dân cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; phòng, chống muỗi, côn trùng đốt; tăng cường dọn dẹp rác, vệ sinh môi trường.
Người dân trong vùng bị ngập lụt khi có vấn đề về sức khỏe cần liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp kịp thời.
Quỳnh Hương