Dịch sởi đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, làm giảm miễn dịch trong cộng đồng, tăng khả năng xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi xâm nhập vào địa bàn, chủ động xử lý các ổ dịch phát sinh (nếu có).
Nhân viên Trạm Y tế xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: Kim Ly
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, gây tử vong ở trẻ em.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Các biểu hiện chính khi trẻ mắc bệnh là sốt, đỏ mắt, tiêu chảy, ho, phát ban. Sau 7 - 10 ngày, khi các nốt ban biến mất có thể sẽ để lại sẹo thâm trên bề mặt da. Biến chứng của bệnh là viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong; mờ hoặc loét giác mạc; suy dinh dưỡng cơ thể.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh sởi. Để có được kết quả này, ngành Y tế tích cực phối hợp với các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về mức độ lây lan nhanh và các biến chứng nguy hiểm, triệu chứng khi mắc bệnh; lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh sởi; đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin sởi định kỳ, tiêm vét đối với các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để tạo miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời tiến hành theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện ca bệnh nghi ngờ, triển khai các giải pháp khoanh vùng, dập dịch.
Hiện nay, nguồn cung vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được đảm bảo đầy đủ, không còn xảy ra tình trạng thiếu vắc xin.
Bác sĩ Nguyễn Thị Loan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nguồn cung vắc xin sởi đơn, vắc xin sởi - rubella cho trẻ luôn được đảm bảo.
Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã tiêm cho từ 10 - 20 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng các loại vắc xin sởi. Tổng số trẻ được tiêm vắc xin sởi đơn, sởi - rubella từ đầu năm đến nay là 117 trường hợp.
Hằng tháng, cán bộ y tế thường xuyên nhắc lịch tiêm, tuyên truyền vận động người dân đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, theo dõi sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn tiêm chủng; cung cấp kiến thức về đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh, tăng đề kháng cho trẻ. Lực lượng cán bộ y tế thôn chủ động nắm bắt tình hình tại các khu dân cư để kịp thời phát hiện ca bệnh.
Nhờ hiệu quả công tác tiêm chủng, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã không ghi nhận ca mắc sởi; nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ và các loại vắc xin khác để bảo vệ sức khỏe được nâng lên rõ rệt”.
Đến nay, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin phòng sởi đơn, trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi - rubella trên địa bàn tỉnh đều đạt hơn 95%, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn, phòng, chống bệnh sởi vẫn gặp một số khó khăn; nguy cơ bệnh sởi xâm nhập vào địa bàn là rất lớn.
Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, quyết tâm thực hiện mục tiêu không để dịch sởi xâm nhập vào địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và chính quyền địa phương các cấp tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng và các khuyến cáo, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh sởi. Các bệnh viện chủ động nguồn cung ứng thuốc, sẵn sàng thu dung, tiếp nhận điều trị khi có ca bệnh, hạn chế các biến chứng nguy hiểm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ.
Đối với các cơ quan truyền thông, UBND tỉnh yêu cầu chủ động cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh; đảm bảo thông tin chính xác, không gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Cùng với tăng cường phòng, chống bệnh sởi, tỉnh chỉ đạo ngành Y tế chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa bão, đặc biệt là một số bệnh thường gặp có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng như: viêm da, đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết…
Quỳnh Hương