Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Vào mùa hè, học sinh được nghỉ học, nguy cơ xảy ra TNTT càng tăng cao. Ðể kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, an toàn, các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhà trường cùng phụ huynh đã chủ động trang bị kiến thức, giúp các em tự bảo vệ bản thân trước những rủi ro tiềm ẩn.
Trường THCS Bá Hiến (Bình Xuyên) tổ chức tập huấn về phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh. Ảnh: Trà Hương
Công tác phòng, chống TNTT, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho học sinh trong dịp hè luôn được Trường THCS Phạm Công Bình (Yên Lạc) chú trọng, quan tâm.
Cô Nguyễn Thị Xinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, Trường THCS Phạm Công Bình chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhở học sinh đảm bảo an toàn, phòng tránh đuối nước trước mỗi kỳ nghỉ và nhắc nhở phụ huynh giám sát trẻ khi vui chơi gần ao hồ, sông suối. Cùng với nhắc nhở, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trực quan như vẽ tranh, làm biển báo và thiết kế khẩu hiệu tuyên truyền... giúp các em dễ tiếp thu, ghi nhớ”.
Nhờ đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, Trường THCS Phạm Công Bình đã tạo được sự thay đổi tích cực trong nhận thức của học sinh về phòng, chống TNTT.
Em Nguyễn Khánh Vy, học sinh lớp 6A chia sẻ: “Các hoạt động tuyên truyền đã giúp em hiểu rõ nguyên nhân gây ra TNTT, đặc biệt là đuối nước; biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác”.
Tại bậc tiểu học, nhiều trường học đã chú trọng lồng ghép giáo dục kỹ năng sống và phòng, chống TNTT vào hoạt động giảng dạy, thông qua các phương pháp phù hợp với đặc điểm tâm lý và nhận thức của học sinh.
Ngay từ đầu các năm học, Trường tiểu học Khai Quang (Vĩnh Yên) đều thực hiện tuyên truyền phòng tránh TNTT theo đúng chỉ đạo từ các cấp quản lý, lồng ghép vào các buổi chào cờ, giờ sinh hoạt lớp và phát thanh qua hệ thống loa. Giáo viên chủ động xây dựng các video trực quan về các vấn đề như đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông, giúp học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ.
Đặc biệt, nhà trường chú trọng phối hợp với phụ huynh trong giáo dục kỹ năng phòng tránh rủi ro cho trẻ. Thông qua sổ liên lạc điện tử, nhóm Zalo và các cuộc họp định kỳ, giáo viên thường xuyên cập nhật tài liệu và chia sẻ video tuyên truyền. 100% phụ huynh và học sinh đã ký cam kết thực hiện các quy định an toàn trong dịp hè, đặc biệt là không để trẻ tự đi bơi hoặc đi chơi xa mà không có sự giám sát của người lớn.
Ngoài các tiết học lý thuyết, nhà trường còn tổ chức các chương trình ngoại khóa và sân khấu hóa nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống thực tế. Các tiết học thể dục, kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm được kết hợp với việc dạy sơ cứu, thoát hiểm để phòng tránh tai nạn thương tích.
Cô Lại Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khai Quang cho biết: “Nhà trường xác định công tác phòng, chống TNTT cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Hằng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền và thực hành về phòng, chống TNTT cho học sinh”.
Năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 25 trường hợp trẻ em tử vong do TNTT. Đuối nước vẫn là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 15 ca, 4 ca do tai nạn giao thông và 6 ca do các nguyên nhân khác.
Trước tình hình này, các cấp chính quyền, ngành chức năng, trường học đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, tăng cường tuyên truyền phòng, chống TNTT, tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mở rộng các mô hình "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn"... nhằm xây dựng một môi trường học tập và môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Để giảm thiểu các vụ TNTT, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng và nhà trường, rất cần sự chung tay từ mỗi gia đình.
Bích Huệ