Kỳ I: Hiện thực hóa lời Bác dạy bằng hành động cụ thể, thiết thực
Tròn 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm (2/3/1963 - 2/3/2023), từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp với tâm thế mới, tầm vóc mới đúng như mong ước của Người. Không chỉ hiện thực hóa thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh còn luôn khắc ghi lời dạy của Bác về đẩy mạnh triển khai và thực hiện phong trào trồng cây, gây rừng; coi việc bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh là nhiệm vụ chính trị có tính chiến lược nhằm mang lại môi trường sinh thái trong lành, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước hình thành các đô thị xanh gắn với tăng trưởng xanh.
Bác Hồ nói chuyện và hướng dẫn cán bộ, xã viên HTX Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường về việc trồng cây. Ảnh tư liệu
Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây để bảo vệ môi trường. Người quan niệm rằng, trồng cây không chỉ là việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Không chỉ phát động Tết trồng cây, Người còn thường xuyên chỉ đạo cán bộ các cấp cần xây dựng kế hoạch trồng cây sớm và nhấn mạnh yêu cầu “trồng cây nào chắc cây ấy”, trồng đi đôi với chăm sóc để cây sống tươi tốt. Cứ mỗi dịp Xuân về, dù bộn bề việc nước và dù sức khỏe thế nào, Người cũng nêu gương trong việc trồng và chăm sóc cây; thường xuyên động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân, các địa phương có thành tích xuất sắc trong phong trào này.
Với thành tích dẫn đầu miền Bắc về phong trào trồng cây, mùa Xuân năm 1961, thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường đã vinh dự được đón Bác về thăm. Ít ngày sau đó, Bác còn viết bài khen ngợi thôn Lạc Trung đăng trên Báo Nhân dân.
Những tình cảm mà Bác ưu ái dành cho Lạc Trung ngày ấy thực sự là phần thưởng cao quý không chỉ riêng với nhân dân Bình Dương, mà còn là tình cảm Người dành cho Vĩnh Phúc nói chung.
Sau ngày Bác về thăm Lạc Trung, 5 năm sau, tại Nghị quyết số 183 của Chính phủ “Về công tác trồng cây gây rừng”, Vĩnh Phúc tiếp tục vinh dự được ghi nhận là điển hình trong phong trào trồng cây tốt.
Nghị quyết có đoạn viết: “Trong phong trào trồng cây gây rừng đã tạo ra hàng nghìn hợp tác xã trồng cây tốt như Nà Vó ở Hòa Bình, Lạc Trung ở Vĩnh Phúc, Đào Xá ở Phú Thọ, Liên Phương ở Ninh Bình, Lê Hồng Phong ở Hà Tĩnh, Vĩnh Thành ở Nghệ An… hàng chục huyện trồng cây tốt như Tùng Thiện (Hà Tây), Yên Mỹ (Hưng Yên), Yên Thành (Nghệ An), Hậu Lộc (Thanh Hóa), Trấn Yên (Yên Bái) và toàn tỉnh trồng cây tốt như Vĩnh Phúc. Đó là những kinh nghiệm quý báu cho phong trào trồng cây gây rừng ngày càng phát triển rộng lớn sau này”.
Phát huy truyền thống vẻ vang và thành tích trong phong trào trồng cây, gây rừng của những năm tháng lịch sử hào hùng, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác bằng những hành động thiết thực. Dù trải qua nhiều hoàn cảnh, nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, song tỉnh vẫn luôn kiên định quan điểm phát triển hệ thống cây xanh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi cá nhân.
Vì vậy, việc tham gia tích cực trồng cây xanh, phát huy truyền thống trồng cây do Hồ Chủ tịch khởi xướng đã trở thành phong trào thi đua thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương với sự chung tay của cả cộng đồng và là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hàng trăm cây xanh đã được trồng trong dịp lễ phát động trồng cây tại các địa phương thực hiện thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu năm 2023
Không chỉ dịp Tết trồng cây, mỗi độ Tết đến, Xuân về, hoạt động trồng cây, gây rừng trên địa bàn tỉnh mới sôi nổi, mà nhờ tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, việc trồng cây đã trở thành hành động thường xuyên với hàng loạt các chiến dịch, phong trào được phát động, lan tỏa sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở và được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Có thể kể một số phong trào đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn - đô thị Vĩnh Phúc theo hướng ngày càng xanh - sạch - đẹp như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, mô hình “Đường hoa phụ nữ”, chương trình “Vì một Việt Nam xanh”… hay các công trình, phần việc cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng thôn dân cư kiểu mẫu…
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh đẩy mạnh triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà một trong những tiêu chí quan trọng được nhấn mạnh tại đề án là làng văn hóa kiểu mẫu phải được đầu tư xây dựng hạng mục khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh với diện tích tối thiểu 500 m2 (lấy theo tiêu chuẩn vườn hoa công cộng ở đô thị).
Cùng với việc nâng cao ý thức của người dân, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị, ở một góc độ khác có thể thấy, việc trồng cây, gây rừng của tỉnh không chỉ mang tính bề nổi mà còn được hoạch định theo chiều sâu mang tính chiến lược với những quyết sách, mục tiêu thể hiện quyết tâm cao trong phát triển, bảo vệ rừng, hệ thống cây xanh. Việc đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng được đưa vào mục tiêu thực hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng đô thị xanh gắn với tăng trưởng xanh, tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị; yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương kịp thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý cây xanh đô thị, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Hằng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức rà soát, quy hoạch, xây dựng kế hoạch, sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn phù hợp với mỗi địa phương, mỗi khu vực.
Đồng thời, bố trí ngân sách, dành kinh phí cho hoạt động trồng mới, bảo vệ rừng, triển khai các giải pháp ngăn ngừa cháy rừng có thể xảy ra; phát triển hệ thống cây xanh đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh vì cộng đồng; phát động thi đua, giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư.
Cùng với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh, bảo vệ rừng, tỉnh cũng thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh; kịp thời khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào này; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng và cây xanh trên địa bàn.
Bài, ảnh: Quỳnh Hương - Thùy Linh