Sau hơn 3 năm triển khai, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước thành viên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Vĩnh Phúc đổi mới năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu hàng hóa.
Tận dụng cơ hội từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Công ty cổ phần điện tử Thiên Quang (KCN Bình Xuyên) đã xuất khẩu 100% sản phẩm camera an ninh, linh kiện điện tử sang thị trường: Mỹ, Canada, Anh.
Công ty cổ phần điện tử Thiên Quang (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất camera an ninh, linh kiện điện tử được thành lập đúng thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Xác định đây là cơ hội, công ty đã linh hoạt triển khai sản xuất; chủ động liên danh, liên kết với các nhà sản xuất trong nước cũng như trên thế giới để tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm giá thành hợp lý; tăng cường hợp tác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, mở hướng sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, công ty đã 3 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà máy sản xuất tại KCN Thăng Long. Đặc biệt, năm 2021, công ty ký kết được nhiều đơn hàng với 100% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Anh. 9 tháng năm 2022, công ty cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu sản phẩm với doanh thu đạt hơn 73% kế hoạch năm.
Hiện, DN đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với định hướng cung cấp sản phẩm ngay tại thị trường Việt Nam.
Mới đây, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ tại KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Lập Thạch) đã ký kết hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn xây dựng Hòa Bình.
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của DN nhằm mở rộng hợp tác chiến lược với các đối tác lớn, chuyên nghiệp trong ngành xây dựng đưa thương hiệu gạch Á Mỹ đến nhiều hơn với các dự án trong nước và trên thế giới.
Chỉ hơn 6 năm thành lập, nhất là tận dụng cơ hội từ hiệp định CPTPP, công ty đã đầu tư dây chuyền trang thiết bị; tiên phong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới trong sản xuất; khảo sát trực tiếp nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tại các thị trường châu Âu, Mỹ.
Hiện nay, công ty sở hữu 5 nhà máy sản xuất, trong đó 1 nhà máy gốm xây dựng, 1 nhà máy sản xuất gạch ốp lát, 2 nhà máy sản xuất sàn gỗ AMYGRES SPC, 1 nhà máy ngói có quy mô lớn với toàn bộ trang thiết bị hiện đại nhập khẩu đồng bộ từ các hãng lớn trên thế giới.
Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á,… đặc biệt các thị trường “khó tính” với nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn nghiêm ngặt như Mỹ, Anh…
Trong 2 năm (2019-2020), công ty đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều DN top 10 của ngành vật liệu xây dựng Mỹ và 4 đối tác chiến lược tại các nước: Italy, Anh, Hungary, Ba Lan.
Để giúp DN tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại Tự do, nhất là Hiệp định CPTPP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định với nội dung được thiết kế riêng cho từng đối tượng cụ thể.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn theo từng nhóm chủ đề tới cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN về xuất xứ hàng hoá, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, nhất là những nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của Hiệp định.
Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, thống nhất, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, DN trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; xây dựng các chương trình hỗ trợ cho DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Cắt giảm chi phí về thủ tục, thời gian, hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho các DN xuất khẩu như kho chứa, bến bãi thuận tiện…, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Chủ động làm việc, kết nối giữa DN và đơn vị hoạt động SXKD với các cơ quan hữu quan trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường, định hướng sản phẩm cũng như việc cung cấp thông tin về nhận định, cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Nhờ tận dụng tốt lợi thế mà các Hiệp định Thương mại Tự do mang lại, nhất là Hiệp định CPTPP, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh ước đạt 19,6 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 9,8 tỷ USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu được mở rộng ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu ở các nước Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…; đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ở các nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ tùng ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, hỗ trợ điện tử; dệt may; sản xuất vật liệu xây dựng.
Bài, ảnh: Mai Liên