Luật Đất đai hiện hành đã khẳng định: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt…” Hiện thực hóa mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, những năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, quy hoạch, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đảm bảo cho người sử dụng đất thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Kỳ I: Khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển bền vững
Cụ thể hóa các quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đổi mới, những năm gần đây, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp (DN), tạo nền tảng để Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp trong tương lai.
Cơ chế đã mở
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện đối với các công trình, dự án lớn, dự án trọng điểm, các dự án theo quy mô diện tích sử dụng đất và theo địa bàn.
Công tác giao đất, cho thuê đất đảm bảo tuân thủ theo kế hoạch sử dụng đất, các phương án sử dụng đất đai trong Quy hoạch tỉnh qua các thời kỳ.
Đặc biệt, ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, tổ chức nhiều hội nghị tuyên tuyền, các lớp tập huấn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai… phổ biến đến các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh hiểu rõ những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.
Cùng với đó, hệ thống quy hoạch sử dụng đất các giai đoạn và kế hoạch sử dụng đất các nhiệm kỳ cấp tỉnh, cấp huyện đã được lập, thẩm định và trình duyệt theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của 9/9 huyện, thành phố trong tỉnh; kịp thời ban hành các Quyết định phê duyệt bảng giá đất hàng năm và bảng giá đất chu kỳ 5 năm theo đúng quy định pháp luật.
Việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực đất đai được xây dựng theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh, lồng ghép nhiệm vụ chuyên môn hàng năm. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu địa chính của các xã, thị trấn thuộc các huyện Lập Thạch và Sông Lô.
Năm 2021, Nghị quyết số 01/2021 của HĐND tỉnh ban hành một số biện pháp đặc thù bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần tháo gỡ kịp thời, linh hoạt những “điểm nghẽn” trong công tác BT- GPMB; giúp Vĩnh Phúc đón đầu những “làn sóng” đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Nhờ đó, giai đoạn 2011 - 2021, UBND tỉnh đã quyết định giao đất, điều chỉnh giao đất, cho thuê đất để thực hiện trên 1.530 công trình, dự án với tổng diện tích gần 4.650 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 15 KCN được thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 13.300 tỷ đồng và trên 212 triệu USD; tổng diện tích đất quy hoạch trên 2.900 ha.
Trong đó diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch trên 2.120 ha; diện tích đất đã bồi thường GPMB và có thể cho thuê trên 1.750 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê trên 1.280 ha.
Nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư
Dù mới đi vào hoạt động, song KCN Thăng Long Vĩnh Phúc do Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản làm chủ đầu tư ngày càng khẳng định được hiệu quả của công tác giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
KCN Thăng Long Vĩnh Phúc là địa điểm thu hút được nhiều DN FDI vào đầu tư kinh doanh tại Vĩnh Phúc.
Với chiến lược thu hút đầu tư linh động, nhiều ưu đãi dành cho nhà đầu tư thứ cấp (miễn phí thuế 2 năm đầu; giảm 50% cho 4 năm tiếp theo...), KCN hiện đang thu hút đầu tư 37 dự án thứ cấp, trong đó có 30 dự án đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; 7 dự án còn lại đang triển khai xây dựng, hoàn thiện nhà xưởng với tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, Tổng quản lý phòng Quan hệ khách hàng, Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: “ Để tập trung đầu tư kinh doanh hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục nộp tiền thuê đất 1 lần; phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình hạ tầng ngoài KCN để nhanh chóng thu hút các DN vào sản xuất.
Mục tiêu thu hút đầu tư của chúng tôi là các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ cao theo đúng định hướng của tỉnh, phấn đấu lấp đầy 100% diện tích đất được giao, cho thuê; tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô KCN, dự kiến tạo việc làm cho 40 - 50 nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh”.
Đánh giá về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, ông Khổng Ngọc Thuận, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh cho biết: “Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của người sử dụng đất.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Đất đai, giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với các huyện đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đất đai, những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tránh lãng phí trong sử dụng nguồn lực đất đai”.
Bài, ảnh: Ngọc Lan - Hồng Tính - Việt Sơn