Trong câu chuyện đón năm mới, việc chi tiêu, mua sắm trở nên rộn ràng hơn hẳn ngày thường, bởi tâm lý “cả năm có ba ngày Tết”, nên dường như chẳng ai ngần ngại “mở hầu bao” sắm sửa đồ dùng, trang trí nhà cửa, mua nhiều đồ ăn ngon để đãi khách với mong muốn một năm đủ đầy, sung túc. Nhưng đôi khi, việc mua sắm quá nhiều chưa hẳn đã vui mà còn gây lãng phí.
Cứ đến gần Tết, mọi người đều có tâm lý vội, bởi cùng với hoàn tất công việc ở cơ quan, đồng áng, mọi người đều tất bật chuẩn bị mua sắm đón năm mới.
Cô tôi là người coi trọng nền nếp, gia phong, luôn cầu kỳ, chu đáo trong mọi việc, những ngày Tết đến là những ngày cô bận rộn nhất. Thời điểm này, cô đã tất bật với việc mua sắm, chuẩn bị đồ trang trí nhà cửa, đặt trước hoa tươi, đào, quất; lập danh sách và tới các chợ, siêu thị, ứng dụng cả zalo, facebook để mua, dự trữ thực phẩm cho những ngày Tết.
Khép lại một năm nhiều khó khăn, biến động về giá cả hàng hóa, người dân có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: Dương Hà
Năm nào từ sớm cũng sẵn bánh chưng, rau củ quả, thịt cá, nem, giò, bánh trái, nước ngọt, rượu, bia đầy ắp tủ lạnh. Năm nay, cô còn đầu tư mua thêm chiếc tủ lạnh dung tích lớn để bảo quản được nhiều thực phẩm hơn.
Cô bảo: “Nhà cô là trưởng họ, nhiều khách khứa đến chơi, bạn bè của các em cũng đông nên phải sắm thật đầy đủ. Mặc dù không ăn nhiều, có năm ra Giêng vẫn ăn toàn đồ Tết, nhưng thừa hơn thiếu”.
Việc chuẩn bị tươm tất, đầy đủ cho ngày Tết để tiếp đón người thân, bạn bè thể hiện sự hiếu khách, chu đáo của gia chủ. Việc chuẩn bị mâm cỗ đủ đầy món ngon dâng cúng ông bà, tổ tiên cũng là nét đẹp văn hóa, thể hiện sự hiếu nghĩa vẹn toàn.
Nhưng thực tế ở không ít gia đình, mua quá nhiều, nấu quá nhiều món, khi thắp hương xong đồ ăn đã nguội, nhiều gia đình không dùng hết lại cất trong tủ lạnh, bữa nọ dồn bữa kia khiến đồ ăn không còn ngon nữa. Thậm chí, nhiều trường hợp phải đổ bỏ do đồ ăn bị hư hỏng dẫn đến vừa lãng phí, tốn kém, vừa tạo áp lực cho công tác vệ sinh môi trường
Tết nay đã khác thời xưa bởi chợ, siêu thị đã được mở cửa từ khá sớm, một số gia đình, nhất là các gia đình trẻ, việc mua sắm đồ ăn phục vụ Tết cũng được cân đối phù hợp hơn so với trước.
Tuy nhiên, việc “vung tay quá trán” trong việc mua sắm, tiêu dùng những mặt hàng khác như quần áo, giày dép, quà biếu, lì xì, tổ chức đặt cỗ liên hoan ăn uống, tiệc tùng trong ngày Tết của một bộ phận người dân cũng là điều đáng suy ngẫm.
Dịp Tết, hàng trăm nhãn hàng, trung tâm thương mại tung ra các chương trình khuyến mại, nhất là những mặt hàng thời trang khiến nhiều người sẵn sàng chi ra cả tháng lương để mua sắm nhiều bộ quần áo Tết, nhưng lại chỉ dùng vài lần, ít khi dùng lại.
Có những người cố mua những cành đào, cây quất, cây cảnh độc lạ có giá vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng chỉ để trưng 3 ngày Tết rất lãng phí. Hay có những người tổ chức cỗ bàn linh đình, mời bạn bè ăn uống, tụ tập kéo dài… tưởng vui nhưng lại tạo nên những hệ lụy không hay, làm mất đi nét đẹp vốn có của bữa tiệc ngày Xuân.
Thậm chí, việc mua sắm Tết cũng tạo ra những áp lực với những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn khi phải cố sắm đủ Tết để không thua kém anh em, bạn bè…
Việc mua sắm, bày biện dịp Tết là nhu cầu chính đáng của mỗi người, mỗi gia đình nhằm thụ hưởng những thành quả lao động sau một năm làm việc vất vả. Nhưng ý nghĩa cốt lõi của ngày Tết vẫn là dịp đoàn viên gia đình để mọi người gặp nhau được trò chuyện, chia sẻ, chúc nhau một năm mới bình an, hạnh phúc.
Bởi vậy, việc chi tiêu, mua sắm cần được lập kế hoạch phù hợp, hài hòa với điều kiện tài chính của mỗi người, mỗi gia đình, đảm bảo mọi thứ phù hợp nhu cầu thực tế, tránh mua sắm quá nhiều mà thực chất không sử dụng tới gây lãng phí. Như vậy, việc đón Tết, vui Xuân mới thực sự mang lại ý nghĩa.
Phương Loan