Để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội… từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Vĩnh Tường đã xây dựng vùng chuyên canh trồng bưởi, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Trà Hương
Thực hiện Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, giao các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai, thực hiện 73 nhiệm vụ cụ thể.
Từ năm 2020 đến nay, đã có 258 văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, hướng dẫn được ban hành, làm cơ sở để các cấp, ngành tổ chức thực hiện; riêng năm 2024, tỉnh đã ban hành 42 văn bản chỉ đạo, trong đó có 5 cơ chế, chính sách đặc thù hướng tới nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân.
Nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp.
Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu…
Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ; đầu tư và khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch của tỉnh, các công trình văn hóa, phúc lợi kết hợp với hoạt động du lịch; khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống kho bãi phục vụ trung chuyển hàng hóa và phát triển dịch vụ logistics…
Tỉnh tích cực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, tập thể và hộ kinh doanh cá thể, coi đây là một trong những giải pháp chính để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập người dân.
Đồng thời đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động; đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, giải quyết việc làm…
Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao chất lượng chăm sóc, khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Trà Hương
Các thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm xây dựng. Hệ thống các dịch vụ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được đầu tư, đảm bảo người dân được bình đẳng tiếp cận, thụ hưởng.
Mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng theo hướng mở, hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Các bệnh viện được chuẩn hóa quy trình quản lý, kỹ thuật, thực hiện liên thông kết quả khám, chữa bệnh trên hệ thống HIS và triển khai khám, chữa bệnh từ xa trên nền tảng Vtelehealth.
Một số kỹ thuật mới, hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu, vượt tuyến đã được triển khai, thực hiện, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đến nay, đã có 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 như: Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 43,6 giường bệnh; tỷ lệ dân số đô thị loại IV trở lên được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện đạt 45,52%; hơn 95,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế…
Kinh tế của tỉnh năm 2024 có tốc độ tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8 - 7%). Quy mô GRDP của tỉnh ước đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Đến cuối năm 2024 ước đạt 69,5 triệu đồng/người/năm. Năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 20.500 lượt người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,43%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Để hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn lực cho sự nghiệp phát triển y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội…
Phương Anh