Ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76 quy định chi tiết về các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 20 của Chính phủ. Thông tư số 50 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/9/2024 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo trợ xã hội.
Thông tư số 50 sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng gồm: Quy định mức chi phí cho công tác rà soát, công tác thẩm định hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội đều là 30.000 đồng/hồ sơ.
Quy định chi phí thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội như chi phí văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, thuê địa điểm chi trả, nước uống... cho người thụ hưởng bảo trợ xã hội tại điểm chi trả và các chi phí cần thiết khác, mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường tuyên truyền chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Ảnh: Kim Ly
Quy định chi phí vận chuyển và chuyển tiền qua ngân hàng, làm thẻ ATM cho người thụ hưởng và chi phí thuê bảo vệ tại địa điểm chi trả, mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chi phí làm đêm và làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; trường hợp chi trả qua tổ chức dịch vụ, mức chi trả được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội, tùy theo điều kiện và thực tế của từng địa phương.
Thông tư số 50 có hiệu lực từ ngày 1/9/2024 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo trợ xã hội như tăng cường tính minh bạch, hợp lý trong quá trình thực hiện trợ giúp xã hội, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng bảo trợ xã hội và cơ quan thực hiện chính sách trợ giúp xã hội...
Để việc triển khai Thông tư số 50 đảm bảo đúng quy định, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH trên địa bàn tỉnh, từ̉ đó, tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nhất là các đối tượng bảo trợ xã hội.
Cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) Hà Thị Chuyên cho biết: Xã Vĩnh Sơn hiện có hơn 200 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50 với một số sửa đổi, điều chỉnh đảm bảo kinh phí và tính minh bạch cho các công tác liên quan đến việc chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong đó, việc quy định rõ mức chi rà soát và thẩm định hồ sơ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo tính minh bạch; đồng thời giúp địa phương lập kế hoạch ngân sách về công tác chi trả trợ giúp xã hội một cách rõ ràng và hiệu quả.
Cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH xã Đồng Văn (Yên Lạc) Hoàng Văn Thọ cho biết: “Xã Đồng Văn có hơn 400 đối tượng bảo trợ xã hội, do đó, các chi phí hằng tháng, hằng năm để thực hiện chi trả bảo trợ xã hội khá nhiều.
Thông tư số 50 sửa đổi, điều chỉnh cụ thể quy định mức chi và thanh toán chi phí phải có chứng từ hợp pháp, tuân thủ quy định đấu thầu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chi trả trợ giúp xã hội cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch các khoản chi này; ngăn ngừa lạm dụng, bảo đảm tính công bằng và tiết kiệm trong chi tiêu công.
Ngoài ra, quy định làm đêm và làm thêm giờ thể hiện sự quan tâm đến cán bộ thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội, động viên chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ được giao”.
Thông tư số 50 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung và làm rõ hơn các quy định về hỗ trợ trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Các quy định mới giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong chi tiêu công; đồng thời, tăng cường hiệu quả thực thi chính sách trợ giúp xã hội; giúp cải thiện chất lượng, hiệu quả các chương trình bảo trợ xã hội và hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai chính sách phù hợp với tình hình thực tế.
Minh Hường