Công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Sông Lô chú trọng thực hiện. Nhờ đó, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân kịp thời được giải quyết, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, giúp tình hình an ninh trật tự tại địa phương luôn ổn định.
Tổ hòa giải thôn Cẩm Bình, xã Tân Lập (Sông Lô) thường xuyên tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.
Đầu năm 2024, gia đình ông Lê Thế Bình và ông Trần Hùng Thế ở thôn Thụy Điền, xã Tân Lập (Sông Lô) xảy ra mẫu thuẫn về việc nước thải của nhà ông Thế gây ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ông Bình.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi xô xát xảy ra, vợ ông Bình bị thương phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch, gia đình ông Bình đã viết đơn gửi Công an xã Tân Lập giải quyết.
Nắm được tình hình, tổ hòa giải thôn đã tổ chức họp tổ liên gia cùng đại diện các đoàn thể để tìm hiểu nguyên nhân và đến từng hộ để phân tích đúng, sai. Với sự phân tích thấu tình, đạt lý, gia đình ông Thế đã lấp hố thoát nước thải, gia đình ông Bình cũng rút đơn gửi công an xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Đăng Lượng cho biết: “Năm 2024, 6 tổ hòa giải trên địa bàn xã Tân Lập đã hòa giải thành công 9/9 vụ việc. Hoạt động của các tổ hòa giải được duy trì thường xuyên, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo; giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải, nhất là khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, UBND huyện Sông Lô đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở. Đồng thời tích cực đôn đốc, hướng dẫn chính quyền cấp xã kiện toàn các tổ hòa giải.
Để hóa giải những mâu thuẫn, đội ngũ hòa giải viên đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, hằng năm, Phòng Tư pháp huyện phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Nội dung tập trung vào những vấn đề sát với thực tế cơ sở như hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, vụ việc dân sự...
Bên cạnh đó, huyện cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ hòa giải và hòa giải viên có nhiều cố gắng, tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Hiện nay, toàn huyện Sông Lô có 146 tổ hòa giải tại 146 thôn, tổ dân phố với 825 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày của người dân... đã được các tổ viên tổ hòa giải thôn, tổ dân phố phối hợp cùng cán bộ xã, thị trấn phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động nhân dân, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp.
Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 115 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 85 vụ (đạt 74%).
Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Sông Lô Nguyễn Hữu Mạnh cho biết: Tranh chấp, xích mích nhỏ trong cuộc sống hằng ngày nếu không được giải quyết kịp thời, thấu đáo sẽ phát sinh thành mâu thuẫn lớn, dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đã dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản, chính sách, pháp luật mới, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải.
Huyện Sông Lô tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật; cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên.
Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Bài, ảnh: Thu Nhàn