Đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, ngành Nông nghiệp đã khuyến khích các hộ đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng tuần hoàn. Qua đó giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, xã Liên Châu (Yên Lạc) đầu tư phát triển mô hình trang trại theo công nghệ hiện đại, bảo đảm cho 40 nghìn gà đẻ sinh trưởng, phát triển tốt.
Toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 12 triệu con; đàn trâu 15,5 nghìn con; đàn bò 87,5 nghìn con; đàn lợn hơn 516 nghìn con. Những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất.
Các hộ đã chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị máy móc hiện đại; xây dựng chuồng trại khép kín, quạt mát, hệ thống máng ăn, nước uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải... góp phần giảm chi phí, nhân công, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Triệu Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng giống vật nuôi, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn nái ông bà với quy mô 55 - 60 con; đàn lợn đực giống với quy mô 45 - 50 con gồm các giống Landrace, Yorkshie, Duroc, PiDu.
Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã sản xuất gần 500 nghìn liều tinh lợn, phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh; cung cấp gần 6.000 con lợn giống cấp bố mẹ và lợn giống thương phẩm cho người chăn nuôi. Riêng 2 năm (2020 - 2021), đơn vị đã cấp 85.500 liều tinh bò thịt, bò sữa gồm các giống Bradmanh, B.B.B, HF.
Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đã làm thay đổi cơ cấu giống vật nuôi. Đến nay, 100% lợn nái, lợn đực giống trên địa bàn tỉnh là lợn ngoại, lợn lai ngoại; tỷ lệ bò lai toàn tỉnh đạt hơn 90%, đàn bò lai sinh sản được lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt có năng suất, chất lượng cao như Brahman, Droughtmaster, Red Agus, BBB… thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, góp phần tăng trọng lượng bò thịt xuất chuồng từ 172,7 kg/con năm 2015 lên gần 200 kg/con năm 2024; năng suất đàn bò sữa đạt khoảng 6 tấn/chu kỳ khai thác.
Cùng với đó, nhiều trang trại đã áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Hộ ông Nguyễn Văn Thiều, xã Thanh Vân (Tam Dương) là hộ chăn nuôi gà Ai Cập lớn của địa phương với 100 nghìn con, trung bình mỗi ngày thu từ 80 - 85 nghìn quả trứng. Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, ông Thiều đã đầu tư hệ thống chuồng trại, quy trình chăn nuôi khép kín; nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà; con giống được lai tạo, tuyển chọn kỹ lưỡng.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như chăn nuôi lợn tại các huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo và đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với 2 công ty sữa lớn là Vinamilk và Cô gái Hà Lan.
Ước năm 2024, sản lượng thịt hơi các loại đạt 133,44 nghìn tấn, tăng 2,58%; trứng gia cầm đạt 780,8 triệu quả, tăng 6,23%; sữa bò tươi đạt 60,65 nghìn tấn, tăng 2,81%; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 5% so với năm 2023.
Để tạo đột phá cho sản xuất chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ số tại các trang trại, doanh nghiệp lớn.
Khuyến khích các hộ chăn nuôi truyền thống cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, hướng đến thị trường trong vùng và xuất khẩu.
Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, quản lý chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm, ngành hàng, truy xuất nguồn gốc, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phát triển các giống vật nuôi đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh; tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: Mai Liên