Con nhận lẵng hoa của Bác Hồ/ Mà lòng sung sướng tựa như mơ/ Tay run, nước mắt nhòa đẫm lệ/ Đời con đâu dám ước bao giờ!/ Khi xung trận hay lúc nghỉ ngơi/ Như có Bác và lời tâm huyết/ Còn vang trong tâm hồn: "Chú dũng cảm phá được nhiều bom/ Thì cần phá nhiều hơn nữa/ Nhưng nhớ cho đảm bảo an toàn"/ Lời Bác dặn đi suốt những chặng đường/ Chiến đấu quên mình, quên tuổi xuân/ Mang chiến thắng dâng lên mừng Bác.
Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Kim Xuân vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh.
Đó chính là tiếng lòng của nhà thơ - Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Kim Xuân ở thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch trong bài thơ "Lẵng hoa Bác Hồ" được ông ghi lại khi được Bác Hồ tặng lẵng hoa khen ngợi.
Tôi rất ấn tượng khi lần đầu gặp ông Trần Kim Xuân tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Câu lạc bộ (CLB) Thơ tỉnh. Đó là cụ ông với mái tóc bồng bềnh bạc trắng, bộ quân phục sáng màu thêm sáng lấp lánh bởi hơn 30 chiếc huân, huy chương, huy hiệu được gắn trang trọng trên ngực. Phong thái nhanh nhẹn, toát lên sự tinh anh và vẻ rắn rỏi dù năm nay ông đã gần 90 tuổi!. Ấn tượng đó đã thôi thúc tôi tìm đến gặp ông vào một sáng đầu Thu tại nhà riêng.
Trong căn phòng rộng trên tầng 2 được bài trí ngăn nắp, một bộ bàn ghế làm việc với nhiều chồng tài liệu, giấy bút để phục vụ việc đọc sách báo, nghiên cứu tham gia công tác xã hội và… để sáng tác thơ; phía bên phải của căn phòng là một chiếc tủ kính tuy không to nhưng đủ để chứa đựng bao kỷ vật quý báu của cả thời thanh xuân và của cả một đời cống hiến cho đất nước.
Đặc biệt là 4 bức tường trong căn phòng không còn lấy một chỗ trống, ngự ở đó là các minh chứng phong tặng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành tặng ông vì những chiến công hiển hách thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong các cuộc chiến khắc phục hậu quả sau chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại.
Ánh mắt tinh anh, giọng nói hào sảng và nụ cười ngạo nghễ của người “Anh hùng cưỡi trên bom” đã bao phen chiến thắng kẻ thù, câu chuyện thời oanh liệt như vừa mới hôm qua…
Ông Trần Kim Xuân nhập ngũ năm 1962 khi vừa tròn 26 tuổi tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Đại đoàn Quân tiên phong. Sau 3 tháng tân binh, ông được phân công về Đại đội Công binh, sản xuất học cụ cho bộ đội học tập, được phong hàm Chuẩn úy. Năm 1964, ông được cử đi học sĩ quan công binh và sau 3 tháng học tập, tốt nghiệp, ông được phong hàm Thiếu úy. Ông được điều về Trung đoàn 229 làm Trung đội trưởng, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cho chiến sĩ về công trình tàu đường, tìm hiểu về cấu tạo, kỹ thuật sản xuất, bố trí và phá hủy bom mìn, bộc phá…
Trong thời điểm cao trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang giành được những thắng lợi to lớn ở miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng chống phá ta bằng đủ các phương tiện chiến tranh, mở rộng phạm vi chiến tranh ra cả miền Bắc. Để ngăn chặn và dập tắt âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ, quân đội ta nói chung - Binh chủng Công binh nói riêng cần một lực lượng chuyên trách làm nòng cốt phá gỡ bom, mìn đảm bảo giao thông thông suốt.
Đứng trước tình hình đó, ngày 15/10/1967, Tiểu đoàn 93 được thành lập, làm nhiệm vụ tháo gỡ bom, mìn, nghiên cứu, thực hành các phương pháp phá bom trên cạn, dưới nước, đồng bằng, núi rừng, làng mạc, thành phố… và ông - người chiến sĩ quả cảm Trần Kim Xuân là một trong những người vừa trực tiếp được giao thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ bom, mìn, vừa có nhiều sáng kiến quý báu đóng góp cùng Tiểu đoàn giành thắng lợi lớn trong nhiệm vụ được giao.
Điển hình là các sáng kiến được áp dụng hiệu quả cao như cải tiến kỹ thuật trong khóa mở bom từ xa; khung dây lớn phá bom từ trường; hòm pin điều khiển phục vụ cho khung dây hỗn hợp; dùng thuốc nổ dẻo để tháo bom; phá mìn mạng nhện bằng phương pháp căng dây ngụy trang...
Ngày ấy việc tháo gỡ bom, mìn gặp rất nhiều khó khăn như thiếu cán bộ, kỹ thuật tháo gỡ bom mìn còn nghèo nàn, khí tài trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ không có... Tuy nhiên, càng trong gian nan, thiếu thốn, càng thấy được nghị lực, trí tuệ, sự tinh nhuệ và dũng cảm của các chiến sĩ Tiểu đoàn 93 nói chung và của Thượng úy, Tiểu đoàn phó Trần Kim Xuân nói riêng.
Ông đã cùng đồng đội tháo gỡ được hàng vạn quả bom, mìn trong 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch 1972 Quảng Trị - Bình Trị Thiên - Huế, Chiến dịch mùa Xuân 1975 và những trận chiến quan trọng như Cửa khẩu cao điểm 68 qua Trường Sơn vào miền Nam; đường 20 chân đèo Phu Li Nhích; các chặng đường và tuyến giao thủy, bộ ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam và Lào.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ chiến đấu trên các mặt trận để khắc phục hậu quả chiến tranh của đế quốc Mỹ để lại. Tính từ năm 1967 đến năm 1986, riêng cá nhân ông đã trực tiếp phá, gỡ được trên 38.000 quả bom, mìn, đạn các loại.
Ghi nhận những chiến công đó, ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng Thượng úy Trần Kim Xuân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó không chỉ là niềm tự hào của ông, của gia đình, làng xóm, của đồng đội mà còn là niềm tự hào của cả quê hương Vĩnh Phúc - nơi sinh ra người anh hùng Trần Kim Xuân.
Trở về địa phương khi đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước, ông Trần Kim Xuân vẫn giữ khí chất của người lính Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến, xông pha trên mọi mặt trận, tham gia công tác xã hội ở địa phương.
Hiện ông là Chủ tịch danh dự Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn tỉnh Vĩnh Phúc; Chủ nhiệm CLB thơ văn huyện Lập Thạch - Sông Lô; Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đình Chu; Hội viên CLB thơ Đường UNESCO; Hội viên CLB thơ Đường nhà giáo; Hội viên CLB thơ tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài cương vị là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, ông còn phụ trách Hội CCB xã, cùng các hội viên nhận trách nhiệm xây dựng 2,5 km đường bê tông huyết mạch của xã và được hoàn thành năm 2005; thực hiện việc thiết kế, thi công, xây dựng 11 nhà văn hóa thôn, hoàn thành năm 2015.
Người anh hùng Trần Kim Xuân đã cống hiến xương máu vì độc lập, tự do của đất nước, là người CCB gương mẫu, năng động, không ngừng đóng góp cho địa phương; luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Hiện nay, ông vẫn tiếp tục dâng cho đời những hoa thơm mật ngọt - đó chính là những vần thơ bay bổng. Thơ của ông vừa ghi chép lại dấu ấn oanh liệt của một thời chiến tranh, vừa có ý nghĩa lưu truyền, chỉ dạy thế hệ sau, vừa là phương tiện tuyên truyền sắc bén gửi đi những thông điệp mang ý nghĩa tốt đẹp tới tất cả chúng ta.
Bài, ảnh: Thu Quyên
(Trung tâm Văn hóa tỉnh)