Nâng cao đời sống cho người lao động (NLĐ), các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập cũng như các chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho NLĐ. Qua đó tạo động lực giúp NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công ty TNHH May mặc Việt Thiên (Vĩnh Tường) luôn đảm bảo thu nhập cũng như các chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho người lao động. Ảnh: Kim Ly
Công ty TNHH Jahwa Vina, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động, máy tính, ti vi, tủ lạnh, điều hòa… Công ty tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Bà Đặng Thị Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Jahwa Vina cho biết: "Bên cạnh việc thực hiện nghiêm chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo quy định của Nhà nước, công ty còn có chính sách thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ kinh phí xây nhà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền chuyên cần, tiền thuê nhà trọ, xăng xe, phụ cấp chức vụ cho NLĐ…
Bên cạnh đó, thông qua việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, NLĐ trong công ty được hưởng thêm nhiều chế độ đãi ngộ, phúc lợi khác như điều chỉnh mức ăn ca tăng lên 20 nghìn đồng/người; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 làm việc 7 tiếng/ngày nhưng vẫn được trả đủ lương mức 8 tiếng/ngày".
Do biến động của nền kinh tế, có thời điểm Công ty TNHH May mặc Việt Thiên, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đơn hàng sụt giảm. Trước tình hình đó, để đảm bảo thu nhập cho NLĐ, công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh như chuyển đổi sang gia công các sản phẩm may mặc dễ tiêu thụ; tích cực nghiên cứu, đổi mới mẫu mã phù hợp với nhu cầu của thị trường; đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các đơn hàng mới…
Các chế độ, quyền lợi của NLĐ luôn được công ty thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công ty quy định nhiều chính sách đãi ngộ cho NLĐ như trợ cấp chuyên cần, phụ cấp ăn trưa, xăng xe; thưởng theo năng suất công việc, thâm niên làm việc… Từ đó, giúp NLĐ yên tâm gắn bó với công việc; tạo động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện Công ty TNHH May mặc Việt Thiên tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Hơn 7 năm làm việc tại bộ phận kiểm tra, hoàn thiện, Công ty TNHH May mặc Việt Thiên, chị Nguyễn Thúy Hoài chia sẻ: "Từ khi làm việc đến nay, các quyền lợi về lương, thưởng, các chế độ đãi ngộ, phúc lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… luôn được công ty thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của tôi từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Chúng tôi mong muốn công ty ngày càng phát triển để có nhiều việc làm hơn nữa, thu nhập của người lao động ngày càng tăng".
Đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chính sách đặc thù về nâng cao đời sống cho NLĐ. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách về giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống cho NLĐ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, trình độ sản xuất tiên tiến, tăng năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập cho NLĐ; tuyên truyền sâu rộng về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương phát triển, nâng cao đời sống NLĐ.
Hướng dẫn doanh nghiệp, người sử dụng lao động rà soát và thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với NLĐ, chú trọng nội dung liên quan đến tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi của NLĐ; đẩy mạnh việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức các hội nghị đối thoại giữa NLĐ với người sử dụng lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao tiền lương cho NLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời điều chỉnh các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ.
Với nhiều giải pháp thiết thực, mức thu nhập, lương bình quân của NLĐ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2015, tiền lương bình quân của NLĐ là 4,31 triệu đồng/người/tháng; đến năm 2020, tăng lên mức 6,18 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, mặc dù các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động sau đại dịch Covid-19, song tiền lương bình quân của NLĐ vẫn đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh tiền lương, nhiều doanh nghiệp còn quy định các chế độ đãi ngộ, phúc lợi cơ bản cho NLĐ như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; khen thưởng dịp Tết Nguyên đán (bằng 1 - 2 tháng lương); lập quỹ hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; tặng quà Tết cho công nhân, vé xe cho công nhân ở xa…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã quy định các khoản phụ cấp, trợ cấp và thưởng cho NLĐ như phụ cấp chuyên cần; phụ cấp trách nhiệm, chức vụ; phụ cấp độc hại; trợ cấp xăng xe; trợ cấp điện thoại; thưởng hoa hồng trên sản phẩm; tổ chức cho NLĐ đi tham quan, du lịch…
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, mặc dù tăng trưởng kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, song một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần đảm bảo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho NLĐ.
Phương Anh