Cùng với nguồn lực của Nhà nước, các phong thi đua vì người nghèo, giúp nhau giảm nghèo được các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể trong tỉnh triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần huy động sự chung tay của toàn xã hội trong công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo. Qua đó ngày càng có nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Tạ Thị Thu Trang, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Trà Hương
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2020 - 2024, tỉnh dành hơn 1.500 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó, nguồn vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo hơn 445 tỷ đồng.
Hiện nay, các cơ chế, chính sách về giảm nghèo của tỉnh đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, một số chính sách hỗ trợ của tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng không có khả năng thoát nghèo.
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh tích cực triển khai phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với đẩy mạnh vận động Quỹ "Vì người nghèo” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác hỗ trợ người nghèo.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Duy Hiển, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) có điều kiện đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn, cho thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Trà Hương
Để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, các cấp Hội Phụ nữ tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; hỗ trợ hội viên xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ"... Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho gần 1.600 hội viên; giúp đỡ gần 2.200 hộ nghèo, cận nghèo và hộ hội viên khó khăn, trong đó gần 900 hộ đã thoát nghèo, cận nghèo.
Đến cuối năm 2023, thành phố Phúc Yên còn 102 hộ nghèo, chiếm 0,37% số hộ và 182 hộ cận nghèo, chiếm 0,67%, là địa phương có số lượng và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp nhất tỉnh. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong công tác giảm nghèo mà thành phố đã quyết liệt thực hiện.
Để có căn cứ triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, thành phố chú trọng thực hiện tốt ngay từ khâu rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm, đảm bảo minh bạch, chính xác, khách quan, xác định rõ những thiếu hụt của các hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Với phương châm trao cho người nghèo “cần câu” để họ tự vươn lên, thành phố Phúc Yên đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho hộ nghèo và xây dựng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ; động viên người nghèo nâng cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ người nghèo, tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, gia đình ông Nguyễn Văn Mấu, thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh đã dần vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Mấu cho biết: “Gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ về vốn phát triển kinh tế mà còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất.
Bên cạnh đó, gia đình tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm, chăm lo, động viên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể của địa phương, tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống".
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,61%, hoàn thành mục tiêu trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; 9/9 huyện, thành phố có số hộ nghèo dưới 1%, trong đó, có 4 huyện, thành phố có số hộ nghèo dưới 0,5%.
Để các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai chương trình giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua vì người nghèo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo; chú trọng công tác tuyên truyền để người nghèo không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Lê Mơ